Theo đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận hiện được giao quản lý hơn 17.705 ha rừng, tập trung tại 3 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Bắc Bình; 2,5 ha đất thương mại dịch vụ tại TP Phan Thiết.
Ông Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, cho biết: “Đến nay chúng tôi giao khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên hơn 2.191 ha và 282 rừng trồng cho 77 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Sông Phan (Hàm Tân); xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) và xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc)”.
Ông Cường chia sẻ và cho biết thêm, nhờ chính sách giao khoán rừng này của Công ty đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều.
Ông Cường cho biết, ngoài giải pháp trên, thông qua kế hoạch thực hiện Quản lý rừng bền vững, các giải pháp tuân thủ quy tắc của chứng chỉ rừng quốc tế (FSC), Công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến toàn thể người dân nói chung, các hộ dân sống ven, gần rừng Công ty quản lý nói riêng về tầm quan trọng của rừng, những rủi ro khi người dân tham gia vào các hoạt động hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy…Từ đó, người dân đã nâng cao ý thức trong việc chung tay bảo vệ rừng.
Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, với tổng diện tích rừng quản lý trên hiện Công ty có hơn 10.000 ha rừng trồng. Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, thời gian qua, Công ty đã tập cải tạo nguồn giống bằng việc chuyển đổi từng bước từ cây giâm hom sang cây cấy mô. Đến nay diện tích trồng của Công ty đã chuyển đổi hơn 500 ha và cập nhật đưa vào trồng rừng một số giống cây lai tạo mới như BV16, BV32, BV33, BV75…có năng suất, chất lượng cao.
Bên cạnh đó Công ty còn phối hợp với các Viện khoa học lâm nghiệp để tìm các giải pháp thâm canh nâng cao chất lượng rừng trồng từ các nguồn giống chất lượng cao, phương pháp trồng rừng, chăm sóc đạt hiệu quả cao và xử lý các bệnh về cây trồng, nhằm tiết giảm chi phí đầu tư đầu vào. Cũng như chuyển giao công nghệ nuôi cây mô để tiến tới xây dựng vườn ươm nuôi cấy mô, tạo chủ động nguồn cung cấp cây giống ổn định…
Đặc biệt, Công ty thường xuyên xem xét chọn lựa các khu vực phù hợp rừng trồng đã đến ký khai thác từ 5-6 năm để lại chuyển hóa thành rừng gỗ lớn từ 3-5 năm sau so với chu kỳ trồng rừng nhằm đem lại hiệu quả tối đa.
“Hiện mỗi năm Công ty quy hoạch đưa vào chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn từ 30 – 50 ha. Đến nay Công ty đã có khoảng hơn 200 ha rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, Công ty còn có khoảng 9.700 rừng đạt chứng chỉ rừng quốc tế FSC”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận chia sẻ.