Hiệu quả từ việc phong tỏa xã hội đối với chất lượng không khí ở châu Á

Hồng Anh (T/h)|11/05/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phân tích mới của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) công bố ngày 8/5 đã cho thấy việc phong toả trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ và đa dạng đến chất lượng không khí ở Đông Nam Á.

Ở các trung tâm đô thị lớn như Kuala Lumpur, Manila và Bangkok, nồng độ NO2 độc hại đã giảm xuống do sự sụt giảm trong vận tải và sản xuất. Malaysia chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững nhất khi nồng độ NO2 ở thủ đô Kuala Lumpur đã giảm khoảng 60% so với năm 2019.

Ở Indonesia, nơi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất trong khu vực, nồng độ khí NO2 ở Jakarta đã giảm khoảng 40% so với năm 2019. Tuy nhiên, nồng độ PM2.5 vẫn không thay đổi so với những năm trước, điều này giúp khẳng định các nghiên cứu trước đây rằng vấn đề ô nhiễm không khí xung quanh thành phố này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm từ các khu vực xung quanh, nhất là các nhà máy nhiệt điện than. Ở Việt Nam cũng vậy, mặc dù nồng độ NO2 giảm, nhưng các thành phố như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự gia tăng PM2.5 khi khí thải từ điện than và công nghiệp ở các khu vực xung quanh thành phố tăng lên.

Điều này cũng diễn ra trên toàn khu vực khi các thành phố nằm gần các nhà máy nhiệt điện than chỉ chứng kiến ô nhiễm không khí giảm ở mức độ nhẹ.

Nồng độ NO2 tại Hà Nội từ ngày 13/2 đến ngày 5/5/2020 (trái) và năm 2019 (phải) (Ảnh:CREA)

“Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí do COVID-19 không làm giảm nhẹ tác động thảm khốc của dịch bệnh đối với cuộc sống và sinh kế của người dân trên khắp châu Á. Tuy nhiên, bầu trời xanh phía trên các thành phố lớn của chúng ta cho thấy những gì chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta đầu tư vào năng lượng sạch khi khủng hoảng bị đẩy lùi,” theo Isabella Suarez, nhà phân tích tại Trung tâm CREA.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm không khí ở đô thị được tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau – từ phương tiện và hoạt động giao thông, các hoạt động công nghiệp cho đến các nhà máy điện than gây ô nhiễm cao. Nói một cách đơn giản, kiểm soát mức độ ô nhiễm từ tất cả các nguồn này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm, có nghĩa rằng phổi sẽ khỏe mạnh hơn và tạo ra ít áp lực hơn cho các dịch vụ y tế vào thời điểm quan trọng này.”

Thông qua cuộc khủng hoảng, chúng ta đã hình dung được về viễn cảnh cuộc sống có thể như thế nào khi không khí dễ thở hơn. Nhưng .chỉ có thể biến điều này thành hiện thực bằng cách thực thi các tiêu chuẩn chất lượng không khí và giảm nhanh việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch một cách bền vững”.

Ô nhiễm không khí xung quanh ở nhiều nước Đông Nam Á thường vượt quá 5 lần giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đại dịch. Điều này làm cho ô nhiễm không khí trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, góp phần gây ra bệnh hô hấp và tim mạch mãn tính và các bệnh khác, chưa kể khoảng 799.000 ca tử vong trong khu vực hàng năm.

Những sự cải thiện chất lượng không khí hiện nay chỉ là nhất thời và chưa biết sau khi hết phong toả chất lượng không khí sẽ như thế nào. Ô nhiễm không khí có thể tái diễn nhanh chóng và nguy cơ đối với sức khỏe và phúc lợi của con người liên quan đến nó sẽ còn tồn tại. Đây là điều rất quan trọng vì nghiên cứu mới đã liên kết sự tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong quá khứ và hiện tại với nguy cơ dễ bị tổn thương ngày càng tăng đối với COVID-19./.

Hồng Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ việc phong tỏa xã hội đối với chất lượng không khí ở châu Á