Hoa Atiso: Món ăn vị thuốc “Thần tiên”

Tiên Sa|22/05/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong Đông y, hoa atisô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể…

Cây Atiso

Hiện nay, diện tích trồng Atiso ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thuộc hàng lớn nhất cả nước trong đó nhiều vườn đã áp dụng quy trình VietGAP, GACP để cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người dùng bởi không sử dụng phân, thuốc hóa học mà chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục, phun thuốc vi sinh. Chính vì thế, sản phẩm từ cây Atiso ngày càng được ưa chuộng, và trở thành một đặc sản nổi tiếng cũng như biểu tượng của thành phố ngàn hoa.

W_hoa-atiso-mon-an-vi-thuoc-than-tien-1-.jpg
Cây Atiso trồng nhiều ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)

Atiso là cây thân thảo cao trên 1 mét, có tên khoa học là Cynara scolymus L., thuộc họ cúc – Asteraceae. Thân cây có lông mềm và có khía dọc. Lá to, dài, mọc so le, phiến lá chia thuỳ ở gốc, những lá ở ngọn hầu như không chia thuỳ, mặt trên lá màu lục và mặt dưới có lông trắng. Cụm hoa ở trên các nhánh, gồm nhiều hoa hình ống và có màu lam tím. Quả nhẵn và dính với nhau thành vòng, dễ tách khi quả chín. Hạt không có nội nhũ.

Bộ phận dùng: Lá, thân, rễ, cụm hoa. Người ta thu hái cụm hoa chưa nở làm rau ăn vào mùa xuân. Lá cũng được thu hái lúc cây sắp ra hoa hoặc đang có hoa, rọc bỏ sống lá đem phơi khô hay sấy khô.

Cây Atiso còn non có thể dùng luộc chín hay nấu canh ăn, nhưng chủ yếu là cụm hoa bao gồm đế hoa mang các hoa, các lông tơ và các lá bắc có phần gốc mềm màu trắng bao xung quanh. Người ta mang về, chẻ nhỏ theo chiều dọc rồi đem hầm với xương, thịt để ăn cả cái và nước. Bông Atiso là loại rau cao cấp, khi nấu chín rất dễ tiêu hoá, dùng trị đau gan, giảm đau dạ dày, rất cần cho những người bị bệnh đái tháo đường. Hiện nay, nhiều người uống trà Atiso bởi vị thơm ngon và công dụng phòng và chữa nhiều bệnh.

Công dụng chính của atiso


Theo các thầy thuốc, hoa Atisô có tính bổ dưỡng khi đã nấu chín, tăng lực, kích thích, làm ăn ngon, bổ gan (tiết mật), trợ tim, lợi tiểu, chống độc, gây tiết sữa cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Atiso được biết từ lâu nhờ tác dụng lợi mật do Cynarin, người ta cũng xác định được hỗn hợp các thành phần khác của Atiso, chủ yếu là acid-acool tạo nên hoạt lực lợi mật của Atiso và còn có những tác dụng khác như giảm cholesterol-huyết, bảo vệ gan, làm tăng sự bài niệu. Ở người, Cynarin có tác dụng loại trừ các acid mật làm giảm cholesterol-huyết và lipoprotein.

W_hoa-atiso-mon-an-vi-thuoc-than-tien-2-.jpg
Búp hoa Atiso

- Giảm cholesterol và bệnh tim: Atiso hạn chế cholesterol từ các chất béo cơ thể hấp thu, gan không tiết đủ mật gây tăng cholesterol cho cơ thể nên những người mắc các bệnh về gan thường có chỉ số cholesterol cao. Atiso kích thích gan tiết mật nên giúp giảm cholesterol. Atiso ngừa việc hình thành những cholesterol mới ở vùng gan.

- Giảm lượng đường máu: Gan tiết ra mật để tiêu hoá thực phẩm và chất béo cơ thể đưa vào đồng thời giữ lượng đường dư dưới dạng glycogen rồi biến đổi lại thành glucose cung cấp cho máu. Qua nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng trong Atiso có chứa chất có khả năng ngăn chặn quá trình tạo ra quá nhiều glucose trong gan.

- Giàu vitamin và chất khoáng: Một lượng Atiso trung bình đáp ứng khoảng 25% nhu cầu vitamin C của cơ thể trong 1 ngày, cung cấp khoảng 60 calo đồng thời Atiso giàu kali và magie nên rất tốt cho hệ tim mạch và chống lại quá trình oxy hóa của Atiso giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại các bệnh tật.

- Tốt cho hệ tiêu hoá: Gan yếu, hoạt động kém sẽ không kịp tiêu hoá lượng thức ăn cơ thể đưa vào gây đau dạ dày, đầy bụng, đau bụng sau khi ăn và khó tiêu, Atiso kích thích gan tiết mật giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt; nhiều chất xơ tốt cho việc bài tiết, chống táo bón.

- Ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư: Một số thí nghiệm đối với tinh chất được chiết xuất từ lá cây Atiso cho thấy, Atiso có thể loại bỏ các tế bào không cần thiết (tế bào chết) ra khỏi mô mà không ảnh hưởng tới các tế bào khác. Nó còn hạn chế sự nảy nở của tế bào thành nhiều dạng ung thư khác nhau như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, bệnh bạch cầu.

Hiện nay, do “hiệu ứng” ăn nhanh, chúng ta ăn nhiều chất béo (thịt, dầu, mỡ…) làm cho gan làm việc “hết công suất”. Do đó, dùng thường xuyên Atiso sẽ làm mát gan, giải độc, thu nạp nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ rất có lợi cho sức khỏe, giúp người già tránh ung thư tiền liệt tuyến.

Atiso Đà Lạt nhận Kỷ lục châu Á cho ẩm thực, đặc sản của Việt Nam


Vừa qua, đặc sản thiên nhiên Atiso Đà Lạt đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKing) đề cử thành công xác lập Kỷ lục châu Á cho ẩm thực, đặc sản của Việt Nam. Lễ công bố và đón nhận sẽ được tổ chức ngày 20/5 tới đây tại TP. Hồ Chí Minh.

W_hoa-atiso-mon-an-vi-thuoc-than-tien-3-.jpg
Trưng bày búp (hoa) Atiso ở TP. Đà Nẵng

Theo VietKing đánh giá, Đà Lạt từ lâu vốn đã được mệnh danh là “xứ sở ngàn hoa”. Atiso là đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt mà bất cứ du khách nào đến với thành phố ngàn hoa cũng không nên bỏ qua. Atiso là giống cây ôn đới, được người Pháp mang đến Đà Lạt trồng vào đầu thế kỷ 20… Thổ nhưỡng và khí hậu của Đà Lạt là hai điều kiện quan trọng để cho ra đời những cây Atiso tươi ngon nhất, với hàm lượng cynarin cao nhất Việt Nam.

Tháng 3/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) hoàn thiện các bộ hồ sơ đề cử gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á về việc công nhận giá trị Kỷ lục cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có Atisô Đà Lạt.

Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công nhận Atisô Đà Lạt đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định. Lễ công bố và đón nhận sẽ được tổ chức ngày 20/5 tại TP Hồ Chí Minh.

Cùng đón bằng kỷ lục Châu Á cho ẩm thực, đặc sản của Việt Nam lần này ngoài Atiso còn có các loại bánh dân gian Cần Thơ (Cần Thơ), cơm tấm Long Xuyên (An Giang), các món ăn từ khóm (Hậu Giang), xôi chiên phồng (Đồng Nai), thanh long (Bình Thuận), nước mắm Con Cá Vàng Phan Thiết (Bình Thuận), bánh phu thê Đình Bảng (Bắc Ninh), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa Atiso: Món ăn vị thuốc “Thần tiên”