(Moitruong.net.vn) – Nhiều năm qua, người dân tổ 17, phường Tân Hòa, Tp. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vô cùng bức xúc vì bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Lâm Bình (công ty Lâm Bình) ngang nhiên hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hành lang sông Đà đổ bê tông kiên cố để làm cảng cho tàu vận chuyển vật liệu xây dựng từ dưới sông lên bờ, gây khó khăn cho việc canh tác của người dân. Sự việc đã được phản ánh nhiều lần tới chính quyền địa phương nhưng đến nay công ty Lâm Bình vẫn chưa hề vấp phải sự can thiệp, xử lý nào.
Video Clip Công ty Lâm Bình hoạt động bến bãi VLXD trái phép nhưng không bị các cơ quan chức năng và chính quyền đị phương xử lý
Nhận được phản ánh của người dân về sự việc trên, phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã về tận nơi để mục sở thị quá trình hoạt động của công ty Lâm Bình và ghi nhận những bức xúc tột độ của người dân.
Mặc dù không có giấy phép nhưng Công ty Lâm Bình vẫn ngang nhiên san lấp bờ sông Đà để làm cảng trung chuyển vật liệu xây dựng, trước sự thờ ơ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương
Bác Nguyễn Văn Vy, tổ trưởng tổ 17, phường Tân Hòa bức xúc: Năm 2012 chúng tôi cho công ty Lâm Bình thuê đất để làm bãi tập kết VLXD. Đến tháng 10/2017 hợp đồng giữa 2 bên hết hạn, chúng tôi không cho công ty Lâm Bình thuê đất nữa và yêu cầu công ty trả lại nguyên vẹn hiện trạng đất như ban đầu để chúng tôi tiếp tục trồng trọt hoa màu. Nhưng công ty chỉ trả lại số diện tích phía trên bờ, còn phần dưới bờ sông trước đây chúng tôi vẫn trồng hoa màu và lấy nước sông Đà để tưới, đến nay công ty vẫn chưa hoàn trả diện tích trên. Ngược lại họ còn tự ý xây dựng kiên cố sàn bê tông để làm cảng cho tàu vận chuyển vật liệu từ dưới sông lên bờ. Việc này gây khó khăn vô cùng cho việc trồng trọt của chúng tôi.
Bác Nguyễn Văn Vy, tổ trưởng tổ 17, phường Tân Hòa bức xúc trao đổi với phóng viên
Không giấu nổi nỗi bức xúc của mình, bác Nguyễn Văn Phượng và bác Nguyễn Văn Cừ cùng chia sẻ: Trong hợp đồng giữa chúng tôi và công ty Lâm Bình đã nêu rõ ràng công ty Lâm Bình không được xây dựng công trình kiên cố trên khu vực đất cho thuê và sau khi hết hạn hợp đồng công ty Lâm Bình phải trả lại nguyên vẹn hiện trạng cho các hộ dân. Nhưng không hiểu sao họ lại phá vỡ hợp đồng, tự ý xây dựng được cảng kiên cố như vậy. Qua cơ quan báo chí, chúng tôi mong các anh chị đưa tiếng nói của người dân tới các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết để chúng tôi tiếp tục trồng trọt, ổn định cuộc sống.
Mặc dù đến ngày 31/12/2017 Công ty Lâm Bình phải dừng mọi hoạt động, nhưng thực tế hiện nay vẫn hoạt động rất nhộn nhịp, những đống cát tiếp tục được hút lên và chất cao như núi
Theo quan sát của phóng viên, tại bến bãi của công ty Lâm Bình là những đống cát chất cao như núi tập kết ngay sát mép sông, xe tải vẫn ra vào nườm nượp chở cát, máy xúc hoạt động hết công suất. Tại khu vực mép sông đã được đổ bê tông kiên cố, gần diện tích thuê đất với các hộ dân, máy móc luôn trong tư thế sẵn sàng để chờ khi màn đêm buông xuống sẽ hút cát từ dưới tàu lên. Tại đây bãi cát của công ty Lâm Bình đang chiếm dụng, chặn lối đi của các hộ dân, làm cho người dân không có đường đi vào phát triển nông nghiệp, khiến bà con hết sức bất bình và gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp.
Công ty Lâm Bình đã tự ý kè bê tông và xây cảng để tiện cho việc hút cát lên bờ
Đem những bức xúc của người dân tới UBND phường Tân Hòa, ông Trần Trung Hiếu – Chủ tịch UBND phường Tân Hòa cho biết: “Trên địa bàn phường không có quy hoạch điểm tập kết vật liệu xây dựng. Công ty Lâm Bình tự thuê đất của hơn 10 hộ dân để làm bãi tập kết cát phục vụ cho nhà máy sản xuất bê tông của công ty. Công ty Lâm Bình đã được cấp phép nhưng hết hạn từ năm 2017. Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương di dời các bến bãi tập kết VLXD không phép ở các phường Tân Hòa, Thịnh Lang, Đồng Tiến về khu vực quy hoạch tại xã Trung Minh và xã Yên Mông trước ngày 30/6. Từ năm 2016 đến nay, phường chưa xuống kiểm tra và xử phạt bến bãi của công ty này”
Như vậy là từ 1/1/2018 đến nay, công ty Lâm Bình đang hoạt động trái phép trước sự thờ ơ, tạo điều kiện của chính quyền thành phố Hòa Bình và phường Tân Hòa .
Ông Trần Trung Hiếu – Chủ tịch UBND phường Tân Hòa khẳng định PV, bến bãi của Công ty Lâm Bình chỉ được hoạt động đến ngày 31/12/2017
Khi phóng viên đề nghị cung cấp các hồ sơ: Giấy phép bến thủy nội địa, hợp đồng thuê đất với các hộ dân, quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, kết quả quan trắc môi trường… mà theo ông Hiếu – Chủ tịch cho rằng bến bãi của công ty Lâm Bình đã được cấp phép. Ngồi trầm tư một lúc, ông Hiếu cho rằng cán bộ phụ trách lưu giữ hồ sơ đi vắng và sẽ gửi lại phóng viên sau.
Hơn nữa, theo Luật đê điều, để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa lũ bão, từ ngày 15/5 đến ngày 15/10 tất cả các bến bãi ngoài đê không được tập kết vật liệu, phải hạ thấp độ cao, giải tỏa lượng vật liệu tồn đọng trên các bãi và phải tập kết vật liệu cách mép sông 50m. Thêm vào đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình phải di dời các bến bãi không phép trước 30/6/2018. Nhưng tại sao đến nay bến bãi của công ty Lâm Bình vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều như vậy? Phải chăng có sự bao che, tiếp tay của chính quyền Thành phố Hòa Bình và Lãnh đạo phường Tân Hòa?
Câu hỏi này xin được gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu trong vấn đề này?
Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo!
Thùy Dương – Hải Phong