Đó là thông tin mà ông Nguyễn Xuân Lý – Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn. Ông Lý cũng khẳng định: “Vấn đề ô nhiễm môi trường ở mương T2-7 là có. Điểm công nghiệp Di Trạch đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp thì đầu tư hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ. Năm 2018, huyện cũng đã vào cuộc kiểm tra và xử phạt 4 doanh nghiệp vi phạm gồm 3 công ty sơn, 1 công ty giặt là, do không có hệ thống xử lý nước thải”.
Cụ thể, UBND huyện Hoài Đức có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 công ty sơn với tổng số tiền 330 triệu đồng (Công ty CP Sơn Infor 30 triệu đồng; Công ty CP Sơn Jymec 210 triệu đồng; Công ty CP Sơn Facomax 90 triệu đồng). “Khi vào kiểm tra lại thì 2 công ty Infor và Jymec đã có hệ thống xử lý nước thải, còn công ty Facomax và công ty giặt là Tân Việt Mỹ đã chấm dứt hợp đồng thuê đất và di dời đi nơi khác. Sau khi nhận được phản ánh của báo, huyện Hoài Đức cũng đã vào kiểm tra thêm các công ty tại điểm công nghiệp Di Trạch. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thì có kế hoạch trước, có thể doanh nghiệp lẩn tránh hoạt động xả thải lúc đêm thì chưa thể phát hiện được” – ông Lý cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Lý – Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức thừa nhận mương T2-7 ô nhiễm, tuy nhiên chưa thể kết luận nguyên nhân khiến cá chết?
Trước đó, tòa soạn Moitruong.net.vn đã phản ánh người dân “tố” các doanh nghiệp trong Điểm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, Hoài Đức) xả nước thải chưa qua xử lý ra mương T2-7 khiến mương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đợt bão vừa qua, nước mương tràn vào ao nuôi dẫn đến cá chết hàng loạt. Người dân đã viết đơn kiến nghị lên UBND xã Di Trạch nhưng hơn nửa tháng sau vẫn không nhận được phản hồi từ chính quyền.
Chỉ đến khi báo chí vào cuộc phản ánh, UBND xã Di Trạch mới mời người dân lên làm việc. Tuy nhiên, nội dung buổi làm việc giữa ông Vương Ngọc Thịnh – Phó chủ tịch xã Di Trạch với người dân không được ghi nhận bằng biên bản mà kết thúc bằng tờ đơn xin rút kiến nghị được soạn sẵn kèm lời hứa các doanh nghiệp sẽ “đền bù”.
Người dân “tố” điểm công nghiệp Di Trạch xả thải gây chết cá
Sau khi bài viết được đăng tải, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã Di Trạch trong việc quản lý, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, cũng như việc xác minh giải quyết đơn thư kiến nghị của người dân ?
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lý – Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức khẳng định: “Đúng là trên địa bàn xã Di Trạch thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về đồng chí chủ tịch UBND xã. Về phía huyện, chúng tôi là phòng tham mưu cũng phải có trách nhiệm kiểm tra xử lý nhưng có thể chưa triệt để dẫn đến ô nhiễm. Nhưng ô nhiễm ở đây là ô nhiễm hỗn hợp, trong đó có trách nhiệm của doanh nghiệp và một phần nước thải sinh hoạt chưa được xử lý của người dân. Về nguyên nhân cá chết thì chưa thể kết luận được vì phòng không có đủ dụng cụ, phương tiện, người dân cũng rút đơn rồi”.
Anh Nguyễn Đình Lộc – người dân có ao cá bị chết cho biết đến nay vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm “đền bù” theo như lời hứa trước đó của chính quyền địa phương. “Còn nhiều vấn đề dưới đó nên phải chịu thôi” – anh Lộc cho biết thêm.
Người dân thì ấm ức vì phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế mà không biết nguyên nhân cá chết từ đâu? Còn vụ việc trên liệu có được chính quyền UBND huyện Hoài Đức tiếp tục làm sáng tỏ, hay sẽ đi vào quên lãng?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn xem truyền hình trong những phóng sự tiếp theo.
Thế Đoàn