Pháp luật môi trường

Hoài Đức (Hà Nội) – Xử lý dấu hiệu vi phạm về tài nguyên nước, môi trường tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (Bài 5): Góc nhìn pháp lý

Nhóm PV 14/11/2024 21:00

Sau loạt bài của Môi trường & Cuộc sống đăng tải liên quan đến các dấu hiệu vi phạm về môi trường và sử dụng tài nguyên nước tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị UBND huyện Hoài Đức chủ trì theo thẩm quyền, giao Phòng TN&MT huyện thực hiện, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan; UBND xã Di Trạch lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước (nếu có) theo thẩm quyền.

Bài viết dưới đây phân tích góc nhìn pháp lý xung quanh vấn đề này.

Phát hiện vi phạm nhưng không xử lý theo thẩm quyền.....vì sao?

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tiếp tục có bài viết thông tin về việc chủ đầu tư Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch có dấu hiệu đưa một số căn liền kề đi vào hoạt động, kinh doanh dịch vụ, một số hộ dân về ở,….. khi chưa có Giấy phép môi trường. Cùng với đó, trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị lại tiếp tục khai thác hàng loạt các giếng khoan có dấu hiệu không phép tại các vị trí: Lô đất LK07 và khu vực lán trại công nhân sau lô đất LK05 (thuộc địa phận xã Kim Chung); lô đất LK32, khu đất đối diện LK34, khu đất mặt sau khu LK đối diện LK26 (thuộc địa phận xã Di Trạch). Các lán trại trong khu vực dự án, nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom, xử lý theo đúng quy định mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường.

Ngày 30/8/2024, UBND huyện Hoài Đức thành lập đoàn kiểm tra tại Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch (tên thương mại Hinode Royal Park) theo thông tin báo chí phản ánh.

W_kc.jpg
Ngày 09/10/2024, UBND huyện Hoài Đức có văn bản số 2301/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch

Ngày 09/10/2024, UBND huyện Hoài Đức có văn bản số 2301/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch. Cụ thể như sau:

- Đại diện Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cho biết Trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 với công suất 5.000m3/ngày, đêm dự kiến hoàn thành khoảng tháng 11/2024. Đồng thời Chủ đầu tư xác nhận hiện nay đã bàn giao một số nhà liền kề cho khách hàng với lý do để tiến hành hoàn thiện, sửa chữa. Như vậy, Chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 5341/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch”.

- Kết quả kiểm tra thực địa của UBND xã Di Trạch tại vị trí các ô đất gồm Khu LK32, Khu đất đối diện LK34 và mặt sau khu liền kề đối diện LK26 thuộc địa phận xã Di Trạch ghi nhận thời điểm ngày 04/9/2024 Chủ đầu tư có hoạt động khai thác nước dưới đất (giếng khoan). UBND huyện Hoài Đức đã có Văn bản số 2106/UBND-TNMT ngày 17/9/2024, trong đó giao UBND xã Di Trạch tổ chức làm việc, thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo thẩm quyền. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị của huyện tăng cường phối hợp kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước. Đồng thời yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng dừng ngay toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất không đăng ký, không có giấy phép theo quy định tại Dự án Hinode Royal Park (Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch); thực hiện kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023; tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu tại Quyết định số 5341/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch” và các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và thực hiện lập Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ngoài ra, theo báo cáo, ngày 07/10/2024, UBND xã Di Trạch có văn bản số 290/UBND-ĐCXD về xử lý hoạt động khai thác nước ngầm tự phát tại Dự án KĐT mới Kim Chung – Di Trạch. Tuy nhiên, theo báo cáo UBND xã Di Trạch chỉ xác định 02 nhà thầu xây lắp là Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp Vina và Công ty Cổ phần xây dựng 12 đã thực hiện việc khoan giếng, bơm hút nước để sử dụng vào mục đích vệ sinh máy móc và thiết bị thi công và hiện nay các đơn vị thi công đã dừng khai thác nước ngầm, hoàn trả lại mặt bằng tại 03 vị trí nêu trên mà không có bất kỳ biên bản xử lý xử phạt nào đối với vi phạm đó.

Căn cứ theo quy định tại điểm c, d, đ, khoản 2, Điều 9 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản như sau:

"Điều 9. Hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định

2. Phạt tiền đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép, cụ thể như sau:

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 03 giếng khoan;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 04 giếng khoan;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm từ 05 giếng khoan trở lên....

16. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước."

Và căn cứ Điều 64, Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, k, m và o khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Như vậy, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã khá rõ ràng, UBND huyện Hoài Đức đã đủ thẩm quyền để xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với Chủ đầu tư Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch sau khi nhận được báo cáo kết quả kiểm tra thực địa của UBND xã Di Trạch về việc chủ đầu tư có hoạt động khai thác nước dưới đất (nước ngầm) với 03 giếng. Nhưng UBND huyện Hoài Đức lại giao cho UBND xã Di Trạch tổ chức làm việc, thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo thẩm quyền?.

Vì sao khi nắm bắt được hành vi vi phạm khai thác nước ngầm không phép tái diễn tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch mà UBND huyện Hoài Đức lại không xử lý, xử phạt theo quy định. Việc này đã đúng với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND huyện Hoài Đức trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Tài nguyên nước đối với những tồn tại tại dự án này hay không?.

W_hinode-royal-park-11.jpg
Ghi nhận của PV Moitruong.net.vn vào chiều tối ngày 14/11/2024, tại Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch đang tồn tại 03 giếng khoan thuộc địa phận xã Kim Chung

Trước đó, sau khi báo chí thông tin, các giếng khoan tại các khu vực LK3, LK4, và BT15 thì đoàn kiểm tra do UBND huyện Hoài Đức chủ trì kiểm tra ngày 23/01/2024 (theo Báo cáo số 35/BC-TMXD ngày 26/3/2024 của Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng) cũng chỉ yêu cầu chủ đầu tư trám lấp mà không có biện pháp xử lý, xử phạt.

Tiếp đó, tại văn bản báo cáo số 2301/UBND-TNMT của UBND huyện Hoài Đức có nêu Đại diện Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cho biết Trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 với công suất 5.000m3/ngày, đêm dự kiến hoàn thành khoảng tháng 11/2024. Đồng thời Chủ đầu tư xác nhận hiện nay đã bàn giao một số nhà liền kề cho khách hàng với lý do để tiến hành hoàn thiện, sửa chữa. Như vậy, Chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 5341/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch”.

Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 10 Nghị định 45/2022/NĐ-CP hành vi vi phạm quy định về thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì xử phạt như sau:
....................
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, trừ các trường hợp: vi phạm quy định về quan trắc, giám sát môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và quy định tại điểm đ, e, g khoản này;


Căn cứ Điều 56 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp……

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 Nghị định này….

Ngoài ra, tại văn bản số 8359/STNMT-KSONMT ngày 18/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phúc đáp UBND huyện Hoài Đức có nêu: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND huyện Hoài Đức tiếp tục chủ trì theo thẩm quyền, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức thực hiện, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan, UBND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước (nếu có) theo thẩm quyền.

W_kc-5.jpg
Văn bản số 8359/STNMT-KSONMT ngày 18/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phúc đáp UBND huyện Hoài Đức

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, vì sao với thẩm quyền của mình, UBND huyện Hoài Đức không lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với chủ đầu tư Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch về hành vi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 5341/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch”?.

Không chỉ có vậy, hiện nay một số căn liền kề của Dự án có dấu hiệu đã được đưa vào hoạt động, kinh doanh dịch vụ như: Nhà hàng Trâu tươi Đại Phong, quán café, trường mầm non tư thục, các văn phòng giao dịch bất động sản, một số hộ dân về ở,….. Vậy, nước thải sinh hoạt từ các hoạt động này sẽ được xử lý như thế nào khi dự án này chưa có Giấy phéo môi trường theo quy định?.

W_hinode-royal-park.jpg
Một số căn liền kề đã đi vào hoạt động, được sử dụng để kinh doanh làm nhà hàng, quán cafe. Ghi nhận của PV Moitruong.net.vn vào chiều tối ngày 14/11/2024
W_hinode-royal-park-10.jpg
Ghi nhận của PV Moitruong.net.vn vào chiều tối ngày 14/11/2024, một số căn liền kề của Dự án đã có các hộ dân về ở, một số căn được sử dụng làm trường mầm non, làm kho tập kết hàng

Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3, điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
......
3. Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khi triển khai xây dựng hoặc vận hành chính thức có vi phạm về bảo vệ môi trường, bị xử phạt như sau:
c) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định;


Góc nhìn pháp lý từ chuyên gia và Luật sư


Trước những vấn đề đang tồn tại về môi trường, tài nguyên nước tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch, để có cái nhìn khách quan, đa chiều, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia và Luật sư.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho biết: Việc đô thị hóa hiện nay diễn ra rất nhanh, đây cũng là một khó khăn trong quản lý môi trường đối với một số quận huyện nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bỏ qua.

Nước là tài nguyên của quốc gia, vì vậy, việc khai thác nước ngầm là phải được cấp phép. Tuy nhiên, tại Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch có 3 giếng khoan không phép theo báo cáo của UBND xã Di Trạch thì tôi đề nghị các đồng chí cho kiểm tra. Nếu có vi phạm đề nghị các đồng chí xử lý trách nhiệm. Ai là người chịu trách nhiệm trong việc này, đề nghị các đồng chí làm rõ.

bui-thi-an-oke.jpg
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng

Kiến nghị về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho biết: Với trách nhiệm của mình, tôi đề nghị các đồng chí Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội rà soát trên thực tiễn xem quận nào, huyện nào, đặc biệt là huyện Hoài Đức có những dự án đã được cấp phép (như Dự án KĐT mới Kim Chung – Di Trạch) nhưng trong quá trình thi công và khai thác không thực hiện đúng với cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp, chưa có Giấy phép môi trường, hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện. Nếu có thì đề nghị các đồng chí xử lý theo quy định.

Với quan điểm của mình, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay: "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó nếu có hành vi vi phạm về môi trường trên địa bàn, địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị lực lượng chức năng kiểm tra, thanh tra, phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp địa phương thành lập đoàn kiểm tra mà chỉ kiểm tra trên hồ sơ sổ sách giấy tờ thì có thể sẽ không phát hiện được hành vi vi phạm trên thực tế, vấn đề này lãnh đạo địa phương cần phải xem xét để xác định có hành vi vi phạm hay không, trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân như thế nào để xử lý theo quy định của pháp luật. Hoạt động kiểm tra theo quy định của pháp luật rất đa dạng, phong phú, có thể kiểm tra trên hồ sơ sổ sách giấy tờ, cũng có thể phải kiểm tra trên thực tế, thực địa. Đối với những hành vi vi phạm về môi trường mà chỉ kiểm tra trên hồ sơ sổ sách thì rất khó có thể phát hiện được vi phạm, sai phạm nếu như việc cập nhật thông tin không kịp thời, thiếu chính xác. Hơn nữa việc xử lý vi phạm hành chính về môi trường sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm trên thực tế chứ không phải chỉ căn cứ vào hồ sơ, sổ sách".

luat-su-dang-van-cuong-3.jpg
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Theo LS Đặng Văn Cường, trong trường hợp phát hiện ra tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm trái phép thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xử lý vi phạm đồng thời buộc khôi phục tình trạng ban đầu để bảo vệ tài nguyên môi trường.

Nói về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, Ls. Đặng Văn Cường cho biết: "Về nguyên tắc thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phải lập biên bản vi phạm, thực hiện các trình tự thủ tục để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây ảnh hưởng, thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì người vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật".

Đồng thời theo LS Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định và chế tài để quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Về nguyên tắc chung thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện, xem xét, xử lý kịp thời, đặc biệt là vấn đề về môi trường trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đối với các khu đô thị, khu dân cư tập trung, đặc biệt là các đô thị lớn hiện nay thì vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề vô cùng quan trọng. Khi các cơ quan chức năng đã phát hiện ra những hành vi vi phạm về môi trường thì cần phải có những biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời để các tổ chức, cá nhân kịp thời khắc phục, có những giải pháp để bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho chính bản thân những người dân đó và những người xung quanh. Với những vấn đề về môi trường mà ai cũng có thể nhìn thấy, các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều lần mà chính quyền địa phương vẫn không xử lý triệt để, không có giải pháp tích cực, tổ chức cá nhân vi phạm về môi trường thường xuyên vi phạm, không có giải pháp khắc phục thì đó là câu chuyện rất đáng buồn trong công tác quản lý.

"Pháp luật Việt Nam có sự phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, xem xét trách nhiệm đối với từng ngành, từng lĩnh vực và đặc biệt là có quy chế rất cụ thể để xem xét vai trò người đứng đầu đối với ngành lĩnh vực mà mình quản lý. Bởi vậy, để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền thì vấn đề thanh tra, kiểm tra, xem xét trách nhiệm của từng vị trí công tác để đánh giá năng lực trình độ, trách nhiệm với công việc là rất cần thiết. Đối với vấn đề môi trường, khi người dân đã kêu cứu, các cơ quan truyền thông vào cuộc phản ánh rõ những sai phạm, vi phạm về môi trường mà sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm thì vấn đề cần đưa lên các cơ quan cấp cao hơn, các cơ quan thanh tra thì mới có thể được giải quyết dứt điểm, đảm bảo có được môi trường an toàn, trong sạch cho người dân địa phương", Luật sư Cường cho biết thêm.

Để tránh những ảnh hưởng xấu đến môi trường và ô nhiễm nguồn nước ngầm, kính mong Thường trực Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội cần nhanh chóng chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng và Huyện uỷ, UBND huyện Hoài Đức xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại về môi trường, tài nguyên nước tại Dự án KĐT mới Kim Chung – Di Trạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoài Đức (Hà Nội) – Xử lý dấu hiệu vi phạm về tài nguyên nước, môi trường tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (Bài 5): Góc nhìn pháp lý
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.