Hoài Đức (Hà Nội) - Bài 2: Thông tin phản ánh về dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch liệu có bị "chìm xuồng"?

Nhóm PV|13/06/2024 21:08

Mặc dù, đã nhận được thông tin báo chí và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc kiểm tra xử lý những dấu hiệu tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật PCCC tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (tên thương mại là dự án Hinode Royal Park) đã gần nửa năm, nhưng đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Xây dựng vẫn chưa có phản hồi đối với thông tin báo chí phản ánh.

VIDEO: Hoài Đức (Hà Nội): Thông tin phản ánh về dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch liệu có bị "chìm xuồng"?

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có “chậm trễ” vào cuộc kiểm tra thông tin báo chí phản ánh?

Trước đó, ngày 15/01/2024, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống có bài viết Hoài Đức (Hà Nội): Cần kiểm tra, xử lý dấu hiệu sử dụng chất thải xây dựng để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan tại dự án Hinode Royal Park. Bài viết thông tin về việc trong quá trình thi công một số hạng mục của Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (dự án Hinode Royal Park) tại ô đất BT14 và MN3 với diện tích khoảng 13.000m2 chủ đầu tư có dấu hiệu không sử dụng đất, cát theo đúng tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng mà thay vào đó, có dấu hiệu sử dụng đất thải, chất thải xây dựng, phế thải, rác thải để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan phục vụ công nhân ăn ở và thi công dự án.

w_du-an-kim-chung-di-trach-4-.jpg
w_du-an-kim-chung-di-trach-9-.jpg
Khối lượng đất kèm rác thải xây dựng thay vì đổ đúng nơi theo quy định lại có dấu hiệu được dùng làm vật liệu san lấp tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, ngày 16/01/2024, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống có công văn số 03-24/CV-MTCS gửi UBND TP. Hà Nội để làm việc về công tác kiểm tra, xử lý những vấn đề báo chí thông tin về Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch.

Theo đó, ngày 01/02/2024, UBND TP. Hà Nội có văn bản số 352/UBND-TTĐT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức về việc cung cấp thông tin cho Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.

W_a1.jpg
Văn bản của UBND TP. Hà Nội gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức về việc cung cấp thông tin cho Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

Văn bản có nêu: UBND Thành phố nhận được Công văn số 03-24/CV-MTCS ngày 16/01/2024 của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn cử phóng viên đến làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác thanh, kiểm tra, xử lý những dấu hiệu tồn tại về việc thực hiện các quy định về Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng cháy chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng tại Dự án Hinode Royal Park.

Về việc này, Chủ tịch UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nêu; làm việc, cung cấp thông tin cho Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống theo thẩm quyền quy định; báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện. Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Điều đáng nói, ngày 24/01/2024, UBND huyện Hoài Đức cũng có văn bản số 163/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc kiến nghị kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch.

W_a2.jpg
Văn bản của văn phòng UBND TP. Hà Nội chuyển văn bản của UBND huyện Hoài Đức đến Sở Xây dựng

Tiếp đó, ngày 25/01/2024, UBND huyện Hoài Đức tiếp tục có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội. Sau khi nhận được văn bản, ngày 01/4/2024 văn phòng UBND TP. Hà Nội có văn bản số 3673/VP-ĐT chuyển văn bản của UBND huyện Hoài Đức đến Sở Xây dựng.

Văn bản có nêu: Ủy ban nhân dân thành phố nhận được văn bản số 49/BC-UBND ngày 25/01/2024 của UBND huyện Hoài Đức báo cáo về kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh tại Dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn có ý kiến chỉ đạo như sau: Chuyển văn bản đến Sở Xây dựng để chủ trì, xem xét, phối hợp, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, báo cáo đề xuất UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

Điều nghịch lý, với những nội dung báo chí quan tâm và thông tin trong thời gian qua liên quan đến lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, PCCC tại Dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch nhưng không hiểu vì sao văn phòng UBND TP. Hà Nội lại có văn bản chuyển Sở Xây dựng chủ trì, xem xét, phối hợp, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Liệu vấn đề trên được giao cho Sở Xây dựng có đúng với chức năng nhiệm vụ của đơn vị hay không?

Trước đó, để tìm hiểu thêm thông tin, ngày 16/01/2024, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống cũng có Giấy giới thiệu số 753/GGT-MTCS gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để làm việc về công tác kiểm tra, xử lý dấu hiệu tồn tại trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng tại Dự án Hinode Royal Park do Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng đã gần nửa năm sau khi Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống có thông tin, đối chiếu với chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội và giấy giới thiệu đặt lịch làm việc của báo chí cũng như kiến nghị của UBND huyện Hoài Đức thì phía Sở TN&MT Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn “bặt vô âm tín”, không hề có bất kỳ thông tin phản hồi nào tới cơ quan báo chí. Phải chăng, Sở TN&MT Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đang có dấu hiệu đi ngược lại với chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội là vào cuộc kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nêu; làm việc, cung cấp thông tin cho Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống theo thẩm quyền quy định; báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.

Khoản 1 Điều 38 Cung cấp thông tin cho báo chí:

"Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin".

Theo quy định tại Điều 39, trả lời trên báo chí quy định rõ:

"Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

Bên cạnh đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết".

Sự “im lặng” của Sở TN&MT TP. Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội càng khiến dư luận hoài nghi, băn khoăn về công tác thanh, kiểm tra, xử lý những dấu hiệu tồn tại về việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật PCCC trong quá trình thi công xây dựng tại Dự án Hinode Royal Park. Sự chậm trễ vào cuộc này là do đâu? Có dấu hiệu tiêu cực nào trong vấn đề này không? Bởi theo ghi nhận của PV, tại ô đất BT14 của dự án mà báo chí thông tin hiện nay đã được san phẳng và cỏ đã mọc xanh tốt um tùm.

Đây là những vấn đề mà Thành ủy, UBND TP. Hà Nội cần sớm xác minh, làm rõ và trả lời thông tin báo chí theo quy định của pháp luật để rộng đường dư luận, tránh những dư luận xấu ảnh hưởng tới hình ảnh của cán bộ các ban ngành của UBND TP. Hà Nội.

W_da-kim-chung-di-trach.jpg
Tại ô đất BT14 của dự án có dấu hiệu được san lấp bằng phế thải, rác thải khi báo chí thông tin cách đây 5 tháng và đến nay đã được san phẳng và cỏ đã mọc xanh tốt um tùm

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Hưng Yên) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quỳnh Dương (sinh năm 1986, trú tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường, theo Điều 235, Bộ luật Hình sự. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Cụ thể, vào khoảng tháng 1/2024, qua công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện nhiều ôtô tải và máy xúc thực hiện việc đổ, chôn lấp chất thải rắn xây dựng chưa qua xử lý xuống ao thuộc thôn Lực Điền, xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ.

Quá trình làm việc, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng. Vị trí đổ, chôn lấp chất thải rắn xây dựng không thuộc khu vực xử lý, với khối lượng hơn 2.000 tấn.

Cũng tại Hưng Yên, ngày 17/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Văn Lâm đã ra Quyết định Khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Tạ Thị Tấn về tội Gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 điều 235 Bộ luật hình sự.

Qua đó có thể thấy, thời gian qua tại Hưng Yên, các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt trong việc xử lý đối với những hành vi đổ, chôn lấp chất thải rắn xây dựng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.

Vậy việc có dấu hiệu sử dụng khối lượng lớn đất thải, chất thải xây dựng, phế thải, rác thải để san lấp mặt bằng tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch mà báo chí thông tin có được cơ quan chức năng của TP. Hà Nội vào cuộc xử lý nghiêm minh và quyết liệt như tại tỉnh Hưng Yên?

Xử phạt hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng làm hủy hoại đất được quy định Tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Dấu hỏi lớn về hệ thống xử lý nước thải, giấy phép môi trường tại dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch?

Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, hiện nay, tại khu vực shophouse, nhà liền kề của Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch một số căn đã đi vào hoạt động, kinh doanh.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình phá dỡ, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng Dự án phải được thu gom và xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (cột B) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường, nước thải thi công và nước thải phát sinh từ trạm trộn bê tông phải được thu gom, xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/ BTNMT (cột B) – Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trước khi xả thải ra môi trường.

Toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn vận hành Dự án phải được thu gom về Trạm xử lý nước thải tập trung của Dự án do Chủ dự án đầu tư có tổng công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm (04 Modul công nghệ ASBR công suất mỗi modul 5.000 m3/ngày đêm, được xây dựng theo tiến độ thực hiện của dự án), được xử lý đảm bảo đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột B) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường tiếp nhận.

Phải có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải bằng tiếng Việt được ghi chép đầy đủ (lưu lượng, thông số vận hành hệ thống xử lý nước thải, kết quả quan trắc nước thải đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý nước thải, loại và lượng hóa chất sử dụng, lượng bùn thải phát sinh; lượng điện tiêu thụ), lưu giữ tối thiểu 02 năm. Có phương án, hạ tầng, phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục sự cố trong trường hợp hệ thống thu gom, xử lý nước thải gặp sự cố.

w_da-.jpg
Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án "Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch" có nêu: Việc phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trong quá trình chuẩn bị và thi công xây dựng dự án phải thực hiện theo Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 16/5/2017 của UBND thành phố Hà Nội

Vậy câu hỏi đặt ra rằng, Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch hiện nay đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung hay chưa? Nước thải trong quá trình ăn ở sinh hoạt của một số hộ dân tại các căn liền kề và công nhân ăn ở tại dự án có được xử lý theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt hay không?

Và căn cứ điểm a khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 quy định: Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này thì hiện nay dự án đã được các cơ quan chức năng cấp Giấy phép môi trường hay chưa? Đây đang là những câu hỏi lớn cần sự vào cuộc cũng như có thông tin phản hồi từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội để rộng đường dư luận.

kim-chung.jpg
Tại Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch có hàng loạt giếng khoan được khai thác để phục vụ công nhân ăn ở và thi công dự án mà báo chí thông tin nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý

Dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch chưa có văn bản nghiệm thu PCCC đối với hạng mục hạ tầng kỹ thuật

Ngoài dấu hỏi về hệ thống xử lý nước thải, giấy phép môi trường thì dấu hỏi về việc hạng mục hạ tầng của dự án đã có văn bản nghiệm thu về PCCC hay chưa cũng đang được dư luận rất quan tâm.

Để tìm hiểu về vấn đề này, ngày 13/6/2024, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Trao đổi tại buổi làm việc, Trung tá Lê Minh Hải – Trưởng phòng Phòng 3 cho biết: "Ngày 6/6/2024, Cục tổ chức kiểm tra nghiệm thu đối với hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Dự án. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra nghiệm thu phía đơn vị vẫn chưa đảm bảo, còn một số tồn tại nên chưa ra văn bản nghiệm thu đối với hạng mục này. Đối với việc chưa được nghiệm thu mà đưa vào hoạt động chúng tôi sẽ xác minh lại. Nếu như trường hợp vi phạm theo Nghị định 144 thì chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm".

Khi được hỏi, mối nguy hại của cháy nổ ảnh hưởng như nào tới môi trường, Trung tá Lê Minh Hải cho hay: "Khi xảy ra sự cố cháy nổ thì sẽ tạo ra các sản phẩm cháy và sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, với những đám cháy liên quan đến hóa chất chảy ra môi trường thì cũng rất nguy hại".

W_a5.jpg
W_a6.jpg
W_a7.jpg
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Trung tá Lê Minh Hải trao đổi với PV Moitruong.net.vn: Hiện nay, hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại KĐT Kim Chung - Di Trạch chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC

Trước đó, ngày 10/5/2024, để tìm hiểu thông tin về vấn đề này, PV cũng đã liên hệ với Thượng tá Nguyễn Thành Vinh – Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức phụ trách mảng PCCC. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Vinh cho biết: "Đối với dự án đó, anh chỉ đạo anh em rồi, hôm tới mà đơn vị không có chuyển biến gì thì sẽ xử phạt để đảm bảo an ninh trật tự.

Về nghiệm thu hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hôm trước bọn anh đi kiểm tra thì họ đang có đề xuất Cục PCCC đi nghiệm thu, họ trình ra được giấy tiếp nhận thủ tục đó nên hôm đó không xử phạt được. Báo chí thông tin có cơ sở, nhưng khi bọn anh đi kiểm tra bọn anh phát hiện ra thì người ta có giải trình là đang thực hiện".

Khi được hỏi vì sao Công an huyện Hoài Đức lại cho thời gian dài để đơn vị khắc phục thì ông Vinh cho biết: "Anh không phải cho đơn vị khắc phục mà đơn vị đang có văn bản tiếp nhận thủ tục nghiệm thu của Cục PCCC và CNCH và người ta cam kết đến một thời điểm nhất định vì hạng mục công trình đó là hạng mục công trình tạm, nó không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự nhiều".

"Khi lập biên bản, đơn vị không ký mà "ế" ra đấy thì bọn anh chết à", ông Vinh cho biết thêm

Ngày 13/6/2024, PV tiếp tục có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thành Vinh về công tác vào cuộc kiểm tra xử lý những vi phạm về PCCC của hạng mục hạ tầng kỹ thuật đối với dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch. Thông tin với PV ông Vinh cho biết: "Đơn vị đang gửi hồ sơ nghiệm thu lên Cục rồi, nốt tuần này họ không khắc phục được thì bọn anh xử phạt".

Vậy câu hỏi đặt ra rằng, vì sao trong suốt 05 tháng qua, sau khi báo chí thông tin, công an huyện Hoài Đức đi kiểm tra, phát hiện vi phạm của đơn vị lại không làm báo cáo tới UBND huyện Hoài Đức để UBND huyện Hoài Đức nắm bắt tình hình và có cơ sở báo cáo, kiến nghị UBND thành phố Hà Nội để xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Trao đổi về những ảnh hưởng của cháy nổ như nào đến môi trường, GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay: "khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản, của cải, người dân nhưng chúng ta không nghĩ đến tác động môi trường xung quanh như thế nào. Khi có cháy nổ xảy ra thiếu điều kiện cung cấp oxy, thành phần khí tạo thành là khí rất độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền sang khu vực lân cận. Bột bụi mịn đen trong làn khói cực độc vì kích thước nhỏ có thể đi vào sâu trong cơ thể qua đường hô hấp. Các loại khí độc làm con người thiếu oxy và thậm chí là nhiều người tử vong do ngạt chứ không chỉ do bị cháy. Nghĩa là khi xảy ra sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường thay đổi".

"Vấn đề nữa là chúng ta phải sử dụng nước để dập cháy, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy sẽ hòa tan một số bụi, thành phần khí, kim loại và nước này trở thành nước ô nhiễm, sẽ vào các nguồn tiếp nhận như ao hồ vùng lân cận hoặc đi qua khu vực có đất sẽ đọng lại, nước gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh vật sống tại hồ. Thêm nữa là các loại bùn thải, chất rắn sinh ra trong quá trình cháy trở thành chất thải rắn, thậm chí chất thải rắn nguy hại, nếu thu gom không cẩn thận sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi", GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết thêm.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Thành Vinh – Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức: "Cháy nổ đương nhiên ảnh hưởng tới môi trường, khi cháy sản xuất ra khí CO ảnh hưởng tới môi trường, sản phẩm cháy nó độc hại sao không ảnh hưởng tới môi trường. Cháy nổ ảnh hưởng đến con người, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Sản phẩm cháy là một phản ứng hóa học, phản ứng hóa học sinh ra hơi nước và khói đương nhiên ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, Bộ Công an quyết liệt ngăn chặn không để cháy nổ xảy ra".

Liên quan đến vấn đề trên, để  thông tin được đa chiều, khách quan và chính xác, ngày 28/12/2023, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có Giấy giới thiệu gửi chủ đầu tư là Tổng Công ty Cổ phần thương mai xây dựng - WTO. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, đến nay Tạp chí vẫn chưa nhận được sự phản hồi, cung cấp thông tin từ phía đơn vị tới cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, việc người dân, báo chí đã phát hiện, phản ánh và thông tin kịp thời diễn biến dấu hiệu vi phạm về môi trường, cháy nổ của Dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch tới các cấp chính quyền trong thời gian qua. Thế nhưng không hiểu tại sao UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoài Đức, Công an huyện Hoài Đức lại thiếu quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo xử lý những dấu hiệu vi phạm trên?

Để thượng tôn pháp luật, kính đề nghị Thành ủy Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm minh không có “vùng cấm” đối với những dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch theo quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, PCCC để đảm bảo môi trường cũng như an toàn về cháy nổ tại dự án này.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 16/5/2017 của UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ: Chủ đầu tư xây dựng phải tổ chức lập và phê duyệt biện pháp chi tiết thi công, phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường, có hợp đồng ký kết với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và phải có Bản cam kết bảo vệ môi trường.

Thông tư 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định rõ: Chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.

Việc vận chuyển phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức (Hà Nội) - Bài 2: Thông tin phản ánh về dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch liệu có bị "chìm xuồng"?