Hoàn Kiếm (Hà Nội) – Bài 1: Phường Cửa Đông có đang “bao che” cho công trình “khủng” thi công gây ô nhiễm môi trường?

Thu Thủy|21/05/2019 09:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vi phạm các quy định an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của các hộ dân sống liền kề. Đó là tình trạng đang diễn ra tại công trình xây dựng số 11, ngõ 30 phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

XEM VIDEO CLIP: Phường Cửa Đông “bao che” cho công trình “khủng” gây ô nhiễm môi trường 

Coi thường pháp luật về bảo vệ môi trường và luật phòng cháy chữa cháy

Mặc dù công trình số 11, ngõ 30 phố Lý Nam Đế đang được thi công 6 tầng nổi và phần hầm nhưng hầu như mọi quy định về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ…đều bị chủ đầu tư coi thường bỏ qua. Với gần 30 công nhân đang ăn ở sinh hoạt ngay tại công trình bất chấp mọi quy định của pháp luật về an toàn lao động, tính mạng con người và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà dân xung quanh.

Chủ nhà tự ý cho công nhân ăn ở sinh hoạt ngay trong công trình gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh và cháy nổ đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các hộ dân xung quanh

Theo ghi nhận của phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, ngay tại mặt sàn tầng 1 từ ngoài vào bên trong của công trình đều được chủ đầu tư tận dụng cho gần 30 công nhân ăn ở, sinh hoạt với môi trường sống tối tăm, nhếch nhác. Nguy hiểm hơn, tại khu bếp nấu ăn tại công trình là những đường dây điện được đấu nối chằng chịt như mạng nhện được giăng khắp nơi, điều này dễ dẫn đến tình trạng chập điện, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, liệu cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm, và phường Cửa Đông có biết?

Không những thế, chủ đầu tư còn tự ý cho khoan nước ngầm mà không xin phép, theo như chia sẻ của công nhân tại công trình cho biết: “Hiện chúng tôi đang được chủ nhà cho sử dụng 2 nguồn nước, nước máy thì để ăn uống, nước giếng khoan thì để tắm giặt và phục vụ cho việc thi công xây dựng, họ mà sử dụng nước máy 100% thì có mà chết tiền.”.

Nước thải trong quá trình sinh hoạt của công nhân được xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường, hơn thế nữa chủ công trình còn tự ý khoan nước ngầm khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng

Theo người dân sống gần công trình cho biết, gia đình ông Lê Hiền Lương và bà Lê Ngọc Mai không biết quan hệ của họ khủng đến mức nào mà coi thường pháp luật đến vậy?. Gạch được chất cao lấn chiếm ngay cả vỉa hè đi bộ của người dân, thi công thì không thực hiện che chắn lưới theo đúng quy định, họ chỉ che chắn lưới theo kiểu đối phó, chỉ quây lưới duy nhất một hướng còn 3 hướng kia họ không che gì khiến cho bụi bặm từ các vật liệu xây dựng bay ra không khí gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, công nhân ăn ở sinh hoạt ngay tại công trình gây ồn ào ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của dân cư sống xung quanh. Cửa nhà nào cũng phải đóng kín cả ngày nhưng bụi vẫn “chui” vào, khổ nhất là khi ăn uống cũng luôn phải đóng kín cửa. Những sai phạm của họ lớn như vậy mà không thấy cán bộ phường Cửa Đông đến xử phạt.

Chính quyền phường Cửa Đông chỉ nhắc nhở bằng miệng

Để làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trước những sai phạm trật tự xây dựng, vi phạm Luật PCCC và những quy định của Luật an toàn lao động trong thi công gây ô nhiễm môi trường của công trình xây dựng số 11, ngõ 30 phố Lý Nam Đế, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với UBND phường Cửa Đông, làm việc với báo chí có ông Trần Xuân Hà – Chủ tịch UBND phường và ông Nguyễn Minh Thành – Tổ trưởng tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường.

Ông Trần Xuân Hà – CT UBND phường Cửa Đông (bên phải) và ông Nguyễn Minh Thành (bên trái) – Tổ trưởng tổ quản lý TTXDĐT  làm việc với PV Moitruong.net.vn, Ông Thành thừa nhận những sai phạm tại công trình của hộ ông Lương, bà Mai chỉ được nhắc nhở bằng miệng chứ không lập biên bản

Trao đổi với PV, ông Hà cho biết: “Công trình số 11, ngõ 30 Lý Nam Đế , chủ công trình đó gồm 3 người: ông Lê Hiền Lương, Lê Hoài Nam, Lê Ngọc Mai được UBND quận Hoàn kiếm cấp giấy phép xây dựng ngày 25/01/2017 sau đó ngày 23/01/2019 được điều chỉnh bổ sung với quy mô 6 tầng + 1 gác lửng + 1 tầng hầm. Từ khi công trình được khởi công cho đến nay UBND phường chưa nhận được phản ánh của người dân về vấn đề công trình gây ô nhiễm nên phường cũng chưa xử phạt vi phạm bao giờ. Vì đất của hộ gia đình đó rất rộng nên cũng không gây ảnh hưởng tới người dân, gạch cát họ tập kết hết trong sân nhà họ chứ họ không để ra ngoài vỉa hè đâu.”.

Trước lời nói của ông Hà, PV đã cho ông Hà xem hình ảnh thực tế mà người dân cung cấp về việc lấn chiếm vỉa hè để tập kết vật liệu xây, ông Hà cho biết: “Sau buổi làm việc và căn cứ vào những hình ảnh này, tôi sẽ chỉ đạo phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt.”.

Trước câu hỏi của PV về việc chủ đầu tư tự ý cho công nhân ăn ở sinh hoạt ngay tại công trình mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng, ông nhận định thế nào? việc này ông có biết hay không? Ông Hà nói rằng: “Việc đó là hoàn toàn sai và vi phạm pháp luật.”

Vật liệu xây dựng để tràn lan trên vỉa hè lấn chiếm lòng lề đường của người đi bộ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông

Liên quan đến trách nhiệm của tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn phường. Vì sao trước những sai phạm của công trình hộ nhà ông Lương và bà Mai sai phạm như vậy mà tổ không tham mưu cho lãnh đạo phường ra quyết định xử phạt, ông Thành – Tổ trưởng tổ quản lý TTXDĐT cho biết: “Chúng tôi đi kiểm tra thì cũng có phát hiện ra một số tồn tại nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở bằng miệng chứ không lập biên bản.”.

Trước thực trạng công nhân ăn ở sinh hoạt ngay tại công trình với điều kiện ẩm thấp, nhếch nhác, bẩn thỉu và nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và bùng phát dịch sốt xuất huyết…, PV có đặt câu hỏi với ông Thành: “Đã khi nào ông cùng đoàn kiểm tra của quận đi thanh kiểm tra công trình này chưa và ông nhận định thế nào về sự nguy hiểm của những người công nhân này?” ông Thành đã không trả lời được và quay đi với thái độ thờ ơ “sống chết mặc bay”.

Theo ghi nhận của PV ngày 21/5/2019 những đống gạch cũng như xe cộ của công trình vẫn được để trên vỉa hè và lòng lề đường

Điều đáng nói, công trình sai phạm này cách trụ sở UBND phường Cửa Đông không xa nhưng lãnh đạo phường đến tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường dường như “không nghe, không biết, không trông thấy gì”, để mặc cho chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng gây ô nhiễm môi trường nhưng chính quyền phường lại không hề có động thái nào để ngăn chặn, xử lý những sai phạm trên.

Mặc dù, Luật đã quy định rất rõ, trong quá trình xây dựng, chủ nhà phải có biện pháp che chắn lưới nhằm giảm thiểu bụi đất cát phát tán ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, nhưng thực tế chủ công trình không thực hiện mà không bị phường Cửa Đông xử lý

Với hàng loạt những sai phạm “khủng”về PCCC, ô nhiễm môi trường của công trình số 11, ngõ 30 Lý Nam Đế, vậy trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Cửa Đông, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm đến đâu khi để cho hàng loạt những sai phạm nối tiếp sai phạm mà không bị xử lý triệt để?

Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc chính quyền phường Cửa Đông đang làm ngơ “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư thi công gây ô nhiễm môi trường bất chấp những quy định của pháp luật? UBND quận Hoàn Kiếm sẽ xử lý như thế nào đối với những sai phạm của chủ đầu tư?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong  bài tiếp theo.

Thu Thủy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoàn Kiếm (Hà Nội) – Bài 1: Phường Cửa Đông có đang “bao che” cho công trình “khủng” thi công gây ô nhiễm môi trường?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.