Hoàng Mai (Hà Nội) – Bài 2: Nữ Tổng giám đốc cảng Khuyến Lương “cản trở” phóng viên tác nghiệp, vi phạm Luật Báo chí

Thế Đoàn – Mai Dung|02/02/2021 12:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khi phóng viên làm việc với bà Trương Thị Thúy Nga – Tổng giám đốc Công ty CP cảng Khuyến Lương và đi thực tế ghi nhận tình trạng các trạm bê tông, trạm asphalt, bãi VLXD trong cảng hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường thì bà Nga và thuộc cấp lại có hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp đúng quy định của pháp luật, vi phạm Luật Báo chí, Nghị định 09/2017/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

VIDEO: Hoàng Mai (Hà Nội): Nữ Tổng giám đốc cảng Khuyến Lương “cản trở” phóng viên tác nghiệp, vi phạm Luật Báo chí

Trước đó, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã đăng tải bài viết “Hoàng Mai (Hà Nội): Làng bê tông mọc trên cảng Khuyến Lương gây ô nhiễm môi trường, chính quyền ở đâu?” thông tin về việc hàng loạt các trạm trộn bê tông, trạm asphalt, bãi VLXD “mọc như nấm sau mưa” tại khu vực cảng Khuyến Lương trên địa bàn phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Khí thải, nước thải và chất thải từ hoạt động sản xuất của các trạm này không được thu gom, xử lý theo quy định mà xả trực tiếp ra môi trường. Các xe trộn bê tông, xe siêu trường siêu trọng ra vào thường xuyên cuốn theo bụi bẩn và “băm nát” đường giao thông.

>> Hoàng Mai (Hà Nội) – Bài 1: “Làng bê tông” mọc trên cảng Khuyến Lương gây ô nhiễm môi trường, chính quyền ở đâu?

Nữ Tổng giám đốc “mù mờ” Luật Báo chí

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty CP cảng Khuyến Lương. Trước đó, khi đến đặt lịch làm việc, phóng viên đã xuất trình Giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc kèm giấy tờ tùy thân đủ điều kiện làm việc theo quy định. Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, bà Trương Thị Thúy Nga – Tổng giám đốc điều hành Công ty CP cảng Khuyến Lương và bà Doãn Thị Lợi – Trưởng phòng Tổng hợp luôn tỏ thái độ bất hợp tác, “quy chụp” thông tin báo chí phản ánh và cố tình gây thiệt hại đến máy quay, điện thoại là phương tiện tác nghiệp của phóng viên. Khi phóng viên đi thực tế ghi nhận hình ảnh các trạm trộn, trạm asphalt, bãi VLXD trong cảng hoạt động gây ô nhiễm môi trường thì bị nam nhân viên của cảng cản trở, có lời lẽ xúc phạm, đe dọa và yêu cầu phóng viên phải xóa hình ảnh.

Bà Trương Thị Thúy Nga – Tổng giám đốc điều hành Công ty CP cảng Khuyến Lương và các thuộc cấp có nhiều lời lẽ quy chụp và hành động cản trở, gây ảnh hưởng đến phương tiện tác nghiệp của phóng viên

Theo Điều 7, Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực từ ngày 01/12/2020 quy định rõ:

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
  2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
  3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  4. a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;
  5. b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
  6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
  7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
  8. a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
  9. b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối chiếu thực tế diễn ra tại buổi làm việc giữa phóng viên với lãnh đạo Công ty CP cảng Khuyến Lương và hình ảnh bằng chứng ghi được, thì bà Nga, bà Lợi và nam nhân viên của cảng đã vi phạm Khoản 1,3 và 4 của Điều 7, Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Kính đề nghị Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp đúng quy định, tránh tình trạng “mù mờ” pháp luật, “xâm hại” hoạt động báo chí đúng pháp luật.

Nam nhân viên được bà Trương Thị Thúy Nga chỉ đạo đi thực tế các trạm cùng phóng viên có lời lẽ xúc phạm, đe dọa và cản trở phóng viên ghi hình những vi phạm về môi trường trong cảng Khuyến Lương

Tiếp đến, phóng viên giải thích cho vị nữ Tổng giám đốc biết về quy định của Luật Báo chí cũng như những văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực báo chí thì vị này mới làm việc cung cấp thông tin. Bà Nga cho biết: “Hiện nay trong phạm vi cảng Khuyến Lương do công ty quản lý có hai trạm trộn bê tông là trạm An Phúc và trạm Vạn Phúc, hai trạm bê tông nhựa nóng asphalt của công ty 656 và công ty 135. Các công ty này liên kết với cảng từ nhiều năm trước và đã được thành phố cấp phép hoạt động. Cảng không có cầu rửa lốp cho xe ra vào mà chỉ thỏa thận với người dân và tưới nước ra đường để giảm bụi bẩn. Cây xăng dầu trong cảng tồn tại từ ngày thành lập cảng và được cấp giấy Thỏa thuận thiết kế Phòng cháy chữa cháy từ năm 1997, đến nay công ty vẫn chưa dám cải tạo gì vì phải làm hồ sơ xin phép”.

VIDEO: Hoàng Mai (Hà Nội): “Làng bê tông” mọc trên cảng Khuyến Lương gây ô nhiễm, chính quyền ở đâu?

Sở NN&PTNN, UBND quận Hoàng Mai có “buông lỏng quản lý”?

Hiện trong cảng Khuyến Lương có 2 trạm trộn bê tông thương phẩm, 2 trạm trộn bê tông nhựa nóng asphalt hoạt động xả khí thải, nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường

Trước câu hỏi của phóng viên về tình trạng các trạm bê tông và trạm asphalt trong cảng hoạt động rầm rộ xả khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, các xe bồn bê tông, xe chuyên chở hàng hóa chạy cả ngày lẫn đêm cuốn theo bụi bẩn khi trời nắng và lầy lội khi trời mưa thì trách nhiệm của Công ty CP cảng Khuyến Lương như thế nào?. Lúc này bà Nga và bà Lợi liên tục biện minh, “quy chụp” báo chí thông tin chưa chính xác với lý lẽ: “Cảng của chị chỉ có 4 trạm, còn các trạm kia ở các công ty khác, giáp ranh với cảng nhưng trên địa bàn phường Yên Sở và phường Trần Phú. Hàng năm cảng đã thỏa thuận với người dân và có biện pháp tưới nước ra đường để đỡ bụi bẩn hơn”. Tuy nhiên, trên thực tế việc tưới nước ra đường như bà Nga nói, liệu có đảm bảo hiệu quả khi mà các xe trọng tải lớn ra vào cảng liên tục không được tưới rửa lốp khiến con đường càng lầy lội và bẩn hơn.

Xe trộn bê tông Vạn Phúc băng băng trên đường vào cảng Khuyến Lương cuốn theo bụi bẩn và bã bê tông rơi ra đường

Tiếp cận hồ sơ pháp lý của các trạm trộn bê tông và trạm asphalt trong cảng Khuyến Lương, phóng viên không khỏi bất ngờ vì những văn bản này đã thể hiện rõ việc Công ty CP cảng Khuyến Lương “bao che, tiếp tay” cho các trạm hoạt động trái phép, không đúng theo quyết định phê duyệt của Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, tại Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 và Quyết định số 4863/QĐ-UBND ngày 06/09/2019 của UBND Thành phố Hà Nội về việc cấp phép lắp đặt 04 trạm bê tông tại cảng Khuyến Lương. Các Quyết định nêu rõ, các trạm trên chỉ được hoạt động khi hoàn tất các thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật. Trong quá trình hoạt động phải tuân thủ quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy. Quyết định cấp phép có hiệu lực đến ngày 15/06/2020. Hết thời hạn được cấp phép hoạt động phải tháo dỡ, thanh thải toàn bộ vật liệu, máy móc, thiết bị trạm trộn ra khỏi khu vực bãi sông. Đến ngày 16/10/2020, UBND Thành phố mới có Quyết định số 4672/QĐ-UBND về việc gia hạn thời gian hoạt động cho các trạm trên.

Quyết định ghi rõ hiệu lực hoạt động đến ngày 15/06/2020, sau đó phải di dời, tháo dỡ trạm trộn bê tông nhưng 4 trạm trong cảng Khuyến Lương vẫn “cố thủ” suốt 4 tháng không chịu di dời chờ giấy phép mới

Các quyết định trên do ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký nêu rõ là vậy. Nhưng thực tế việc hoạt động của các trạm bê tông và trạm asphalt trong cảng Khuyến Lương lại đi ngược với chủ trương của Thành phố. Các trạm trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường như báo chí đã thông tin, hơn thế khi hết hiệu lực hoạt động các trạm vẫn “ngồi yên” không di dời mà “cố thủ” chờ xin giấy phép mới trong suốt mùa mưa lũ, có dấu hiệu vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai. Phải chăng Công ty CP cảng Khuyến Lương đang cố tình “xé rào” pháp luật, tạo điều kiện cho các trạm hoạt động trái phép trong 04 tháng chờ xin giấy phép mới? Có hay không việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Hoàng Mai “buông lỏng quản lý” để doanh nghiệp vô tư hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?

Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, UBND quận Hoàng Mai, phường Yên Sở, phường Trần Phú đang “bất lực” hay “làm ngơ” trước những vi phạm về đất đai, môi trường, đê điều tại cảng Khuyến Lương?

Kính đề nghị Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Hoàng Mai, phường Trần Phú vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm đã rõ như ban ngày tại “làng bê tông” mọc trên cảng Khuyến Lương. Đồng thời làm rõ động cơ, hành vi của bà Trương Thị Thúy Nga – Tổng giám đốc điều hành Công ty CP cảng Khuyến Lương và các thuộc cấp đã cản trở phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.

Thế Đoàn – Mai Dung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoàng Mai (Hà Nội) – Bài 2: Nữ Tổng giám đốc cảng Khuyến Lương “cản trở” phóng viên tác nghiệp, vi phạm Luật Báo chí