Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sáng nay

Mai Hạ|22/04/2023 11:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng nay, ngày 22/4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

22-ttg-dn.png
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị  gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các DN nước ngoài cũng sẽ nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo một số địa phương sẽ chia sẻ về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị sẽ có những phản hồi, tiếp thu chính sách về những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe các ý kiến và đề xuất, kiến nghị cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” và với tinh thần đồng hành, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại VN thời gian qua. Sự tin cậy, chân thành và trách nhiệm là những yếu tố quyết định, là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên - khi chúng ta chân thành và tin cậy lẫn nhau thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả cao hơn.

Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc OECD có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.

22-dn-nc-ngoai.png
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự Hội nghị

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc, việc thích ứng linh hoạt, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp. Để thích ứng linh hoạt một cách hiệu quả, trước tiên chúng ta cần phải có niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu.

Thủ tướng cho biết, cách đây hơn nửa năm, vào tháng 9/2022, Thủ tướng cũng đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Khi đó, chúng ta đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành trên cơ sở niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu từ cả hai phía; từ đó thống nhất các giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục hợp tác hiệu quả, thành công.

Tiếp tục tinh thần đó, tại Hội nghị hôm nay, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, các nhà đầu tư tập trung trao đổi thẳng thắn, ngắn gọn, chân thành, cởi mở trên nguyên tắc “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các DN, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị. Tinh thần đặt ra là, xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải kịp thời, hiệu quả, có cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm và thời hạn cụ thể. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì phải các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, hiệu quả với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam cho rằng các thành viên VBF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy FDI và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam với hơn 221.000 thành viên đến từ 14 Phòng Thương mại và 13 Nhóm công tác.

22-ong-dn.jpg
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ hơn 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia hàng đầu và cũng là thành viên của VBF như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Hoa Kỳ, Anh…đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế tại Việt Nam, góp phần tăng trưởng FDI mạnh mẽ.

“Chúng tôi đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới”, ông Nitin Kapoor nói và đưa ra ý kiến.

“VBF xin có một số đề xuất. Thứ nhất, về vấn đề năng lượng, phần lớn đầu tư của quá trình chuyển đổi năng lượng phải đến từ khu vực tư nhân. Để đẩy nhanh hơn nữa cải cách quy định và chính sách, chúng tôi đề xuất phân công đại diện VBF cho các nhóm công tác chuyển đổi năng lượng hiện nay như Ban thư ký của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Ủy ban soạn thảo chính sách liên quan.

Về lao động, chúng tôi cảm ơn Chính phủ đang rà soát chính sách visa; đồng thời đơn giản hóa Bộ luật Lao động. Đây là điều kiện tạo thuận lợi cho thủ tục giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam; thu hút những tài năng đến Việt Nam.

Về thuế, cần nghiên cứu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Về dược phẩm, chúng tôi rất vui khi thấy những cải tiến liên tục và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh việc cấp giấy phép lưu hành (MA) cho các thiết bị y tế và dược phẩm.

Chúng tôi rất vui vì Luật Dược đang được sửa đổi để giải quyết các thách thức như hạn chế kho bãi và vận chuyển đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và loại bỏ các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia để hài hòa các quy trình của Việt Nam với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.

Chúng tôi mong muốn Việt Nam có cơ chế mua sắm cụ thể đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản liên quan

Về thị trường bất động sản ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản, cân đối cung cầu. Đây cũng là thách thức cho cả các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Do đó, phản ứng của Việt Nam là rất kịp thời khi đã có nhiều chính sách để giải quyết những khó khăn này, như kiểm soát vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng niềm tin của người dân sẽ được phục hồi, thị trường sẽ sớm quay trở lại như cũ.

Về Kinh tế số sự phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam đòi hỏi phải phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số như dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Việt Nam nên hài hòa các tiêu chuẩn địa phương với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cộng đồng doanh nghiệp VBF (bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước) cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

VBF và các thành viên sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu đánh giá tác động đối với Dự thảo Luật và các quy định, cung cấp các nghiên cứu thực tiễn tốt nhất và tiến hành đối thoại trong quá trình soạn thảo. Chúng tôi rất vui mừng về tiềm năng của Việt Nam và mong muốn được hợp tác chặt chẽ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sáng nay
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.