Hơn 1.800ha cây trồng có nguy cơ mất mùa do thiếu cát đắp đập ngăn mặn

Khánh Ly|23/02/2023 17:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nếu không có cát để đắp đập ngăn mặn thời vụ trên sông Vĩnh Điện, khoảng 1.855ha cây trồng đang trong giai đoạn phát triển có nguy cơ mất mùa.

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, tỉnh nhận được báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn về tình hình xâm nhập mặn nguồn nước sông Vĩnh Điện và những khó khăn trong thi công đắp đập ngăn mặn bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân. 

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay thị xã Điện Bàn đã triển khai phương án đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn và các khu vực TP Hội An và TP Đà Nẵng. 

cong-trinh-dap-ngan-man-dien-ban.jpg
Đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện.

Năm nay, công trình đập vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc. Tuy nhiên, đến chiều 16-2 (thời điểm mở thầu), kết quả không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này. 

Theo hồ sơ thiết kế đập được duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, cây bạch đàn, tre, đặc biệt nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ nhưng hiện nay các mỏ vật liệu trên địa bàn hết thời gian khai thác, đã đóng cửa. Các mỏ vật liệu cát, đất ở khu vực huyện Đại Lộc, Duy Xuyên còn sản lượng nhưng không hoạt động. 

Do vậy, công tác đắp đập không thực hiện được nếu không có cát, đe dọa sự sống của hàng nghìn ha cây trồng đang trong giai đoạn phát triển. Thị xã Điện Bàn đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép lấy cát với khối lượng khoảng 10.000m3 tại điểm mỏ ĐB 02 (xã Điện Thọ, điểm mỏ này đang triển khai đến bước đăng tải thông tin kế hoạch đấu giá). 

Trong trường hợp UBND tỉnh Quảng Nam không chấp thuận chủ trương nguồn cát thì địa phương này phải thực hiện thay đổi vật liệu làm đập bằng thép cừ Larsen. Từ đó phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế và dự toán, thẩm định, phê duyệt rồi mới đăng tải, tổ chức lựa chọn nhà thầu lại. Điều này dẫn đến chậm trễ trong triển khai thi công đắp đập ngăn mặn. 

Qua báo cáo, tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế cụ thể, hướng dẫn thị xã Điện Bàn thực hiện theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hơn 1.800ha cây trồng có nguy cơ mất mùa do thiếu cát đắp đập ngăn mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.