Liên minh toàn cầu về sức khoẻ và ô nhiễm (GAHP) vừa công bố một báo cáo mới dựa trên dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khoẻ (IHNME) về tác động của ô nhiễm đến sức khoẻ con người.
Báo cáo này sử dụng dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHNME) về tác hại ô nhiễm không khí, nước, chì và nghề nghiệp. Báo cáo của GAHP cho biết ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và bệnh tật trên thế giới. Tỷ lệ tử vong vì ô nhiễm chiếm 15% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, tương đương hơn 8,3 triệu người.
Trong đó, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (40%). Đó là sự kết hợp của các chất gây ô nhiễm trong gia đình, ngoài trời và tầng ozone.
Theo báo cáo, Việt Nam có 71.365 ca tử vong do ô nhiễm vào năm 2017. Trong đó, số người chết vì ô nhiễm không khí là 50.232, ô nhiễm nước là 3.097, ô nhiễm chì là 8.227, ô nhiễm nghề nghiệp là hơn 9.000 ca. Với tỷ lệ tử vong là 75/100.000, Việt Nam đứng thứ 103 trong tổng số 187 quốc gia.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các loại ô nhiễm.
Dữ liệu của GAHP cho thấy, các quốc gia châu Phi là nơi có tỉ lệ tử vong do ô nhiễm cao nhất thế giới, cộng hoà Chad xếp thứ 1 với tỉ lệ 287/100.000 dân, Triều Tiên xếp vị trị thứ 3 với tỉ lệ 202/100.000 dân, Nigeria đứng thứ 4, Ấn Độ đứng thứ 10 với tỉ lệ 174/100.000 dân, Trung Quốc đứng thứ 22, Anh đứng vị trí 98, Hoa Kỳ xếp vị trí 132 với tỉ lệ 61/100.000 dân, Singapore đứng vị trí 179.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bụi mịn PM 2.5 có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet gây ra những rủi ro về sức khỏe nghiêm trọng nhất, so với các hạt lớn hơn. Do kích thước nhỏ (khoảng 1/30 đường kính trung bình của một sợi tóc người) nên các hạt bụi mịn PM 2.5 có thể bám sâu vào phổi.
Các nghiên cứu của WHO, cứ 10 người thì 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới. Trung bình mỗi năm, thế giới có 4,2 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí bên ngoài và khoảng 88% số ca tử vong này xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Trong số các khu vực và quốc gia trên thế giới thì Đông Nam Á có số người tử vong nhiều nhất do ô nhiễm không khí với hơn 1,3 triệu người/năm, còn ở Trung Quốc con số này là hơn 2,1 triệu người.
WHO ước tính 12,5% ca tử vong do ô nhiễm không khí có thể được ngăn chặn bằng việc cải thiện chất lượng không khí trên toàn thế giới. Mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn sẽ làm giảm gánh nặng bệnh đường hô hấp và bệnh tim mạch, chi phí chăm sóc sức khỏe và năng suất lao động bị mất do bệnh tật, cũng như tăng tuổi thọ của người dân địa phương.
Mai Anh (t/h)