Hơn 50 cống ngăn mặn ở Kiên Giang ‘phơi nắng’ nhiều năm

Tuấn Kiệt|30/03/2023 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có 54 cống ngăn mặn nhưng chỉ có 2 cống lớn được vận hành, các cống còn lại hầu như không hoạt động từ nhiều năm nay.

Trong số 52 cống ngăn mặn không hoạt động này, có nhiều cống xuất hiện tình trạng xuống cấp phần nắp cống (được làm bằng gỗ và do nhiều năm không sử dụng đến).

Các hộ dân sống cạnh các cống ngăn mặn cho biết, chưa hề thấy cống vận hành từ nhiều năm qua, chứ không riêng gì mùa khô năm nay.

"Ngoại trừ được bảo trì, khoảng 5-6 năm trở lại đây, tôi chưa thấy cống ngăn mặn Xẻo Lợp này vận hành. Lâu lâu, có người đến tha nhớt, tha dầu lên nắp cống vì sợ bị mục, do để lâu " - ông Lê Tấn Sơn ngụ ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận nói.

Cũng như ông Sơn, ông Võ Văn Nhờ ngụ ở ấp Cạnh Đền 2, xã Vĩnh Phong sống cạnh cống ngăn mặn Ông Tám cho biết, cống này chưa vận hành ngày nào từ thời điểm được xây dựng đến nay. Theo ông Nhờ, chỉ thấy lâu lâu có người đến cống sơn lên nắp cống làm bằng gỗ.

Đến cống ngăn mặn Rạch Đình ở xã Vĩnh Phong, nhiều hộ dân sống cạnh cống cũng thông tin, rất nhiều năm qua, không thấy cống vận hành.

cong-ngan-man.jpg
Cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) được đầu tư nhưng không vận hành trong nhiều năm

Một lãnh đạo xã Vĩnh Phong cho hay, trên địa bàn xã có hàng chục cống ngăn mặn được đầu tư xây dựng nhưng không vận hành trong thời gian dài.

Hiện nay đang cần nước mặn nuôi tôm nên không cần đóng cống ngăn nước mặn từ bên ngoài sông vào bên trong nội đồng.

Được biết, từ năm 2015, một số cống ngăn mặn nói trên ở huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) được bắt đầu xây dựng. Ngoài mục đích ngăn mặn, các cống này còn có nhiệm vụ ngăn triều cường dâng, bảo vệ hơn 30ha diện tích bên trong, chủ yếu sản xuất lúa 2 vụ và mô hình lúa - tôm. Kinh phí xây dựng các cống ngăn mặn nói trên từ 700-800 triệu đồng/cống.

Riêng năm 2022 vừa qua, huyện Vĩnh Thuận vừa đầu tư xây dựng 2 cống ngăn mặn, ngăn triều cường với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng/cống.

Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết, đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016 khiến hàng nghìn ha lúa trên nền đất nuôi tôm của huyện bị thiệt hại nên địa phương đã đầu tư các cống để ứng phó.

Theo ông Nguyên, đến năm 2019-2020, ở địa phương tiếp tục có một đợt triều cường dâng cao gây ngập ruộng vườn, nhà cửa của người dân nên huyện tiếp tục đầu tư thêm nhiều cống khác. Ngoài mục đích ngăn mặn, các cống này còn có nhiệm vụ ngăn triều cường dâng hoặc phòng trường hợp khi có dịch bệnh trong nuôi thủy sản.

“Kinh phí để đầu tư mỗi cống khoảng 700-800 triệu đồng và cống lớn nhất khoảng 1,3 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 54 cống, nhưng chỉ có 2 cống lớn được vận hành, trong khi những cống còn lại hầu như không hoạt động”, ông Nguyên nói.

Nói về biện pháp xử lý đối với các cống bị xuống cấp do nhiều năm không sử dụng, ông Nguyên thông tin: “Đơn vị đã tham mưu cho địa phương về việc bố trí kinh phí sửa chữa những cống cần phải gắn cửa. Còn những cống chưa cần thiết sẽ không gắn nữa. Khi nào có nhu cầu mới bố trí, chứ để treo thì qua 4-5 năm sẽ mục. Dự kiến năm nay, địa phương sẽ sửa chữa trên 10 cống".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 50 cống ngăn mặn ở Kiên Giang ‘phơi nắng’ nhiều năm