Vận hành cống ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất Việt Nam tại Bạc Liêu

Bảo Anh|13/10/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức vận hành Cống – Âu thuyền Ninh Quới tại tỉnh Bạc Liêu,nhằm ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô.

Chiều 11/10, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành gắn biển, bàn giao và chính thức đưa dự án cống âu thuyền Ninh Quới (thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu) vào vận hành.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, đây là công trình cống âu thuyền lớn nhất Việt Nam hiện nay. Âu thuyền này đã được vận hành tạm thời khoảng 1 năm qua để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020.

Cống âu thuyền Ninh Quới vận hành mở để cho tàu thuyền qua lại

Công trình cống âu thuyền Ninh Quới được khởi công từ tháng 11-2018 trên tuyến kênh Quản lộ – Phụng Hiệp, với tổng kinh phí 360 tỉ đồng. Công trình có nhiệm vụ điều tiết nước, kiểm soát mặn – ngọt phục vụ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Đây là dự án điều tiết nước mặn – ngọt lớn nhất vùng bán đảo Cà Mau. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 360 tỷ đồng. Kết cấu chính của hạng mục công trình dự án cống Âu thuyền Ninh Quới gồm: 2 cống hở ở 2 đầu và buồng âu dài 150m, đáy rộng 31,5m; cửa van, đóng mở bằng xy-lanh thủy lực; cầu giao thông trên cống có chiều rộng phần lưu thông xe bằng 5,5m. Đối với kết cấu của hạng mục cống Ninh Quới, được xây dựng trên tuyến kênh Cầu Sập – Ninh Quới, cách cống Ninh Quới cũ 30m, có khoang chiều rộng thông nước là 15m và mặt cầu giao thông trên cống rộng 5,5m.

Dự án có chức năng ngăn mặn và giúp các địa phương chủ động điều tiết nguồn nước mặn, ngọt, bảo vệ diện tích canh tác, nuôi trồng thủy sản, tránh ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết công trình này rất có ý nghĩa trong việc kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng Tây sông Hậu nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Theo ông Trung, ngoài công trình nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhất trí làm thêm 2 cống âu thuyền khác ở Hộ Phòng (thị xã Giá Rai) và TP Bạc Liêu để vận chuyển nước ngọt từ bắc quốc lộ 1 qua vùng nam quốc lộ 1, khi đó tỉnh sẽ chủ động hoàn toàn việc mang nước ngọt qua vùng mặn để nuôi tôm.

Bảo Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vận hành cống ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất Việt Nam tại Bạc Liêu