Hơn 900.000 người Indonesia bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do khói bụi cháy rừng

Ngọc Linh (t/h)|25/09/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Gần 900.000 gặp các vấn đề sức khỏe về hô hấp tại Indonesia đã được ghi nhận liên quan đến khói bụi bởi các vụ cháy rừng và cháy than bùn.

Theo Trung tâm Ứng phó Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Indonesia, ít nhất 885.026 trường hợp người dân gặp vấn đề về nhiễm trùng đường hô hấp đã được ghi nhận liên quan đến khói bụi cháy rừng.

Hơn 290.000 trường hợp được ghi nhận tại tỉnh Nam Sumatra, hơn 268.000 bệnh nhân tại tỉnh Riau cũng thuộc đảo Sumatra. Tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo ghi nhận hơn 163.000 ca bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp, theo Bangkok Post.

Theo ông Agus, cho đến nay, Chính phủ Indonesia đã phân phát 73.000 khẩu trang cho người dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng do cháy rừng và than bùn, đồng thời triển khai nhiều điểm hỗ trợ y tế, cấp phát thuốc, thực phẩm cho các trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo các vụ cháy rừng ở Indonesia đang khiến cho gần 10 triệu trẻ em ở nước này đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí.

Khói bụi cháy rừng ảnh hưởng đến chất lượng không khí tại Indonesia và nhiều nước lân cận như Malaysia, Singapore, Thái Lan và cả Philippines. Hàng nghìn trường học ở Indonesia và Malaysia buộc phải đóng cửa. Chính phủ Malaysia phải hủy hàng trăm chuyến bay vì tầm nhìn hạn chế.

Cảnh báo trên của LHQ được đưa ra sau khi giới khoa học công bố các nghiên cứu cho thấy những đám cháy trên đã làm phát sinh một khối lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), gần 10 triệu người dưới 18 tuổi đang sinh sống tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do các đám cháy rừng ở đảo Sumatra và tại một phần của đảo Borneo của Indonesia, trong đó trẻ em nhỏ tuổi là những người dễ bị ảnh hưởng nhất về mặt sức khỏe do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trong khi những trẻ em có mẹ bị phơi nhiễm không khí trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị thiếu cân và đẻ non.

Trong gần 2 tháng qua, các đám cháy rừng và cháy than bùn đã xảy ra tại nhiều khu vực trên đảo Sumatra và Borneo. Để đối phó với những đám cháy này, Chính phủ Indonesia đã huy động khoảng 10.000 người gồm binh sĩ, cảnh sát, nhân viên của BNPB; hàng chục máy bay trực thăng và máy bay chở nước để chiến đấu với “giặc lửa”.

Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.

Người dân đi trong khói mù do cháy rừng ở Palangka Raya, tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia, ngày 15-9-2019 – Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, cháy rừng thường vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là vào mùa khô. Năm nay, tình trạng khói mù do cháy rừng tại Indonesia đã làm ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều quốc gia trong khu vực.

Chính phủ Indonesia đã huy động gần 30.000 nhân sự và 50 trực thăng để ứng phó cháy rừng. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến tại Indonesia trong giai đoạn cuối tháng 4 đến đầu tháng 10 hàng năm, khi nông dân phát rừng làm rẫy.

Dù tình trạng khói bụi năm nay diễn ra với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, giới chức Indonesia vẫn từ chối nhận giúp đỡ từ chính quyền các nước láng giềng.

Truyền thông nước này đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Tổng thống Joko Widodo kiên quyết tự giải quyết nạn cháy rừng và khói bụi đang ảnh hưởng toàn khu vực.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hơn 900.000 người Indonesia bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do khói bụi cháy rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.