Đây là Bản tóm tắt dành cho cho các nhà hoạch định chính sách về đóng góp của của Nhóm công tác III cho Chu kỳ đánh giá thứ sáu (AR6), xem xét các xu hướng phát thải hiện tại, mức độ nóng lên dự kiến trong tương lai và cách chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5°C vào năm 2100, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Hai báo cáo trước đó của nhóm công tác I và II đã được công bố vào tháng 8/2021 và tháng 2/2022.
Xu hướng phát thải khí nhà kính
Báo cáo khẳng định, BĐKH là hậu quả của hơn một thế kỷ con người gây phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sử dụng năng lượng không bền vững, sử dụng đất và thay đổi mục đích sử dụng đất cũng như các mô hình tiêu dùng và sản xuất.
Ảnh minh họa.
Giai đoạn 2010-2019, có mức tăng phát thải trung bình cao nhất trong lịch sử loài người, với 56 Gt CO2 tương đương/năm. Lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra đạt 59 Gt CO2 tương đương vào năm 2019, mức cao nhất kể từ năm 1990. Lượng phát thải đã tăng trên tất cả các lĩnh vực nhưng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp. Khoảng 34% lượng phát thải của con người đến từ lĩnh vực cung cấp năng lượng, 24% từ công nghiệp, 22% từ nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, 15% từ giao thông và 6% từ các tòa nhà.
Lượng phát thải giảm trong thời gian cao điểm đại dịch Covid -19 nhưng đã tăng trở lại
Cường độ phát thải CO2 của nền kinh tế toàn cầu đã giảm nhẹ, nhưng thay vào đó, lượng khí thải có xu hướng gia tăng từ các ngành công nghiệp, cung cấp năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các tòa nhà.
Các nước phát thải cao chủ yếu là quốc gia giàu, điển hình là Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản và New Zealand chiếm 22% dân số thế giới nhưng đã đóng góp 43% lượng khí thải CO2 tích lũy trong lịch sử từ năm 1850-2019. Tương ứng, Châu Phi và Nam Á có 61% dân số toàn cầu, nhưng chỉ đóng góp 11%.
Vào năm 2019, ước tính các quốc gia kém phát triển nhất chỉ phát thải 3,3% lượng phát thải KNK toàn cầu và các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ (SIDS) chỉ phát thải 0,6%.
Cuộc bứt phá của năng lượng tái tạo
Từ sau khi Thỏa thuận Paris được ký kết tại Hội nghị COP21, biến đổi khí hậu đã trở thành chương trình nghị sự của các chính trị gia và giới truyền thông, nhưng vẫn chưa đạt được mức độ chú ý và hành động theo quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhóm công tác của IPCC nhận định, các bản Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) được công bố trước Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là chưa đủ cho mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 1,5°C vào cuối thể kỉ này. Mức tăng có thể lên tới 2,8°C, thậm chí thế giới đang trên đà ấm lên 3,2°C vào năm 2100, trừ khi các chính sách được thực hiện vào cuối năm 2020 được tăng cường nhanh chóng.
Trong hơn 10 năm qua, ít nhất 18 quốc gia đã duy trì việc giảm phát thải CO2 dựa trên sản xuất và tiêu thụ. Đến năm 2020, hơn 20% lượng phát thải KNK toàn cầu đã được chi trả thông qua thuế carbon hoặc hệ thống mua bán khí thải. Mặc dù vậy, mức độ bao phủ và giá cả không đủ để thúc đẩy mức giảm sâu hơn.
Chi phí lắp đặt năng lượng tái tạo giảm dần qua từng năm
Giai đoạn từ năm 2010–2019, dã diễn ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưu trữ. Chi phí theo đơn vị năng lượng mặt trời (giảm 85%), năng lượng gió (giảm 55%) và pin lithium-ion (giảm 85%), đồng thời, có sự gia tăng mạnh trong việc triển khai các loại hình năng lượng đó, ví dụ năng lượng mặt trời tăng trên 10 lần và xe điện tăng trên 100 lần (EV).
Việc giảm chi phí theo đơn vị trong các công nghệ chính, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và lưu trữ, đã làm tăng sức hấp dẫn kinh tế của quá trình chuyển dịch ngành năng lượng các-bon thấp đến năm 2030. Hiện nay, quang điện, điện mặt trời tập trung, điện gió trên bờ và ngoài khơi đều đang cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch tính theo chi phí điện quy dẫn ở nhiều nơi. Chi phí cho các phương tiện điện khí hóa, bao gồm ô tô, xe hai và ba bánh, và xe buýt đều đang giảm và nhiều quốc gia tăng tốc áp dụng chúng.
Phát thải toàn cầu cần đạt đỉnh trước năm 2025
Đạt được mức tăng nhiệt 1,5°C có nghĩa là phải giảm 48% lượng phát thải CO2 ròng vào năm 2030 so với mức năm 2019 và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào đầu những năm 2050.
Báo cáo cho biết, ngày càng có nhiều chính phủ và giới doanh nghiệp đưa ra cam kết phát thải ròng về 0, tuy nhiên, cần nhấn mạnh hơn vào hành động nhanh chóng, trong ngắn hạn để phù hợp với lộ trình giới hạn mức tăng nhiệt ở 1,5°C. Phát thải KNK toàn cầu cần đạt đỉnh muộn nhất là trước năm 2025, để đạt được mức tăng nhiệt 1,5°C và trong bối cảnh giảm phát thải KNK nhanh chóng, sâu rộng và quyết liệt từ nay đến năm 2050.
Cần tiến hành giảm phát thải trên mọi lĩnh vực
Các giải pháp giảm phát thải KNK sâu và nhanh chóng cần được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tổng thể trong toàn ngành năng lượng, triển khai các nguồn năng lượng ít phát thải, chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Hiện, 56 quốc gia đã có đạo luật khí hậu tập trung vào giảm thiểu KNK, chiếm 53% lượng phát thải toàn cầu.
Báo cáo chỉ ra rõ ràng tương lai mà nhiều nhà đầu tư sẽ “mắc kẹt” tài sản nhiên liệu hóa thạch. Khi một lượng đáng kể nhiên liệu hóa thạch không được đốt cháy, cơ sở hạ tầng với tổng giá trị được dự đoán là 1- 4 nghìn tỷ USD sẽ cần có hướng giải quyết. Các dự án than có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt trước năm 2030, trong khi các dự án dầu khí nhiều khả năng có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt vào giữa thế kỷ này.
Gia tăng đầu tư cho giảm phát thải
Các ước tính về chi phí giảm phát thải cho quá trình chuyển dịch carbon thấp có xu hướng bị đánh giá quá cao, thiếu phần lợi ích từ việc giảm đầu tư cơ sở hạ tầng gây ô nhiễm tương ứng, hoặc giảm thiểu tác động khí hậu tránh được và chi phí thích ứng.
Theo tính toán của nhóm tác giả báo cáo, giai đoạn 2020 đến năm 2030, đầu tư hàng năm cần lớn hơn từ 3 đến 6 lần mức hiện tại trên tất cả các lĩnh vực để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C. Chúng ta có đủ vốn và thanh khoản để thu hẹp khoảng cách đầu tư và cung cấp đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển dịch, trong khi các dòng tài chính công và tư cho nhiên liệu hóa thạch vẫn lớn hơn dòng tài chính cho thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Cần tăng đầu tư cho các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính
Xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sẽ làm giảm phát thải, cải thiện doanh thu công và hiệu quả kinh tế vĩ mô, đồng thời mang lại các lợi ích khác về môi trường và phát triển bền vững; có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 10% vào năm 2030. Thực tế cho thấy, các dòng tài chính khí hậu công và tư được huy động từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển vẫn thấp hơn mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris.
Theo ông Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành, Tổ chức Khí hậu Châu Âu, “Báo cáo mới nhất của IPCC nêu rõ rằng cách nhanh nhất mà các chính phủ có thể đảm bảo an ninh năng lượng và cắt giảm chi phí là đầu tư vào năng lượng sạch và dịch chuyển khỏi các tài sản nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở hạ tầng khí đốt, dầu mỏ và than mới sẽ không chỉ làm tăng thêm thiệt hại khắc nghiệt về khí hậu mà chúng ta đã phải đối mặt mà còn tạo ra vòng xoáy địa chính trị đáng sợ của nhiên liệu hóa thạch, vốn thường có liên quan đến căng thẳng, xung đột và biến động kinh tế vĩ mô”.
Dave Jones, trưởng chương trình toàn cầu của tổ chức Ember khẳng định, một tương lai điện khí hóa sạch là con đường dẫn đến một khí hậu an toàn. Từ lâu, chúng ta đã biết rằng điện than phải bị loại bỏ trong thập kỷ này, nhưng báo cáo mới nhất của IPCC đã làm rõ điều đó. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời rẻ, sạch, an toàn và có thể mở rộng và sẽ là xương sống của hệ thống điện trong tương lai. Nhưng hiện tại, các chính phủ đang không hành động với mức độ khẩn cấp cần thiết. Sự phát triển kỷ lục của điện gió và điện mặt trời cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Giờ đây, chúng ta cần tiếp tục phá vỡ các kỷ lục để đạt được 100% điện sạch càng nhanh càng tốt.
Kim Anh