Kế hoạch mới của Italy bao gồm chiết khấu 20% cho các quầy bán lẻ để các sản phẩm được bán ra mà không đóng gói, từ đó giảm bớt giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng. Các sản phẩm này bao gồm thực phẩm, đồ gia dụng, cho đến quần áo và các món quà.
Mục đích của việc này là làm giảm đáng kể nguyên liệu đóng gói, từ đó giảm bớt lượng rác được chôn lấp, đưa vào nhà máy tái chế hoặc đem đốt.
Italy có kế hoạch làm giảm đáng kể nguyên liệu đóng gói
Các nhà hoạt động môi trường đã ca ngợi kế hoạch này là bước đi quan trọng hướng tới các mục tiêu môi trường của Italy. Chủ tịch nhóm bảo vệ môi trường Legambiente, Stefano Ciafani nhấn mạnh sự thay đổi này sẽ không giải quyết được vấn đề rác thải của Italy, song sẽ có giá trị thực tiễn và mang tính biểu tượng, khi giúp giảm bớt rác thải và thay đổi thói quen tiêu dùng, cũng như thể hiện cam kết quan trọng nhằm mang lại sự thay đổi.
Theo kế hoạch, sáng kiến này sẽ sớm được đưa vào luật, song hiện chưa rõ cách thức tính chiết khấu, và làm sao để công thức này này cân đối giữa sản xuất và người tiêu dùng, cũng như thời điểm luật có hiệu lực. Ông Ciafani cho rằng một khi biện pháp này được thực thi sẽ giúp Italy giành được vị trí tiên phong tại châu Âu trong cuộc chiến chống rác thải.
Trong những năm gần đây, nhiều khu vực của Italy đã gặp các vấn đề liên quan đến thu gom rác thải. Năm 2011 và 2012, Naples đã đối mặt với vấn đề thu gom rác nghiêm trọng, dẫn đến lây lan dịch bệnh trong thành phố, buộc chính quyền phải triển khai binh sĩ để giải quyết.
Còn đối với riêng thủ đô Rome của Italy, trước đó một “cảnh báo vệ sinh” hay đúng hơn là cảnh báo về sức khỏe đối với các bệnh lây lan qua chất thải của côn trùng và động vật ăn rác thải thối rữa. Những hộp pizza bỏ đi hoặc phần còn lại của bữa trưa spaghetti hay vỏ trái cây… đã mang lại cơ hội lớn cho những con mòng biển, chuột cống, sói và thậm chí cả lợn rừng đến mở tiệc trên đường phố Rome.
Việc Italy không đủ khả năng xử lý rác do chính nước này thải ra, đã buộc chính quyền phải trả tiền cho các nước khác làm thay họ.
Tại thành phố này vốn có ba bãi rác chính, nhưng một nơi đang bị đóng cửa, 2 nơi còn lại đã bị lửa tàn phá. Ngoài ra, 2 cơ sở xử lý rác thải sinh học ở Rome đang cắt giảm hoạt động để thực hiện công tác bảo trì.
Tú Anh (T/h)