Giới chức Italy cảnh báo mực nước sông Po - con sông lớn nhất nước này, đang ở mức thấp nhất trong 30 năm qua. Tình trạng khô hạn được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân sinh sống phụ thuộc vào con sông này.
Dài 625km, Sông Po-con chảy từ thành phố phía tây bắc Turin đến Venice ở bờ biển phía đông. Đây là khu vực đông dân cư nhất Italy, nơi tập trung các ngành công nghiệp cao và vùng canh tác trọng điểm của quốc gia này, còn được gọi là Thung lũng ẩm thực Italy.
Là chủ nhân con tàu Stradivari dài 60 mét, ông Giuliano Landini từng chở tới 400 người ngay cả trên vùng nước nông của sông Po. Tuy nhiên, tốc độ dòng chảy của con sông này đã giảm xuống còn 350 m3/s vào tháng 6 năm ngoái. Việc vận hành những con tàu trên sông sẽ trở nên bất khả thi nếu lượng mưa dồi dào không đến sớm để bù đắp hạn hán.
“Vài ngày nữa, tôi sẽ phải hủy tất cả các chuyến du ngoại trên sông Po vì nước cạn”, thuyền trưởng Giuliano Landini chia sẻ với AP.
Không chỉ là nơi sinh sống của các ngư dân và tàu thuyền, sông Po còn cung ứng nguồn nước tưới tiêu các vùng đất nông nghiệp, cung cấp năng lượng cho tuabin gió và là nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương. Con sông này cũng giúp duy trì ngành du lịch địa phương, với các hồ nước nổi tiếng như Garda và Como, thu hút hàng triệu du khách quốc tế ghé thăm.
Tuy nhiên, cơ quan lưu vực sông Po-con vào đầu tháng 4 cảnh báo, mực nước của con sông này đã hạ xuống mức thấp kỷ lục theo mùa trong 30 năm qua, với tốc độ dòng chảy chỉ bằng 1/3 mức trung bình.
“Tôi sinh ra trên sông Po-con. Nó từng rất sống động, tập trung nhiều ngư dân. Giờ đây, chỉ thêm vài năm nữa, chúng tôi có nguy cơ chỉ còn nhìn thấy những xa lộ cát. Tôi cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy con sông trong tình trạng như vậy”, ông Landini nói, nhìn về phía bờ sông lộ ra từng mảng cát.
Theo Giám đốc Cơ quan môi trường và khí hậu tỉnh Bolzano Flavio Ruffini, những hồ nước tự nhiên và nhân tạo trên các đỉnh núi băng tuyết – vốn quyết định sự sống còn của các con sông của Italy vào mùa hè, hiện có mực nước thấp hơn 30% so với trung bình theo mùa. Lượng tuyết phủ vào mùa đông tại các đỉnh núi đã thấp hơn 75% so với trung bình trong 10 năm qua, do mùa đông trở nên ấm bất thường.
Các hồ nước trên dãy Alpine ở tỉnh Bolzano thường lưu trữ trung bình khoảng 100 triệu lít nước, nhưng mức hiện tại chỉ vừa đủ 42 triệu lít sau mùa đông khô hạn. Hồ Vernago khô cằn đến mức làm lộ một tòa tháp cũ giữa lòng hồ.
Ngay cả sông Adige – con sông dài thứ 2 tại Italy, tốc độ dòng chảy chỉ bằng một nửa mức trung bình. Dòng chảy thấp khiến nước biển Adriatic tràn vào sông Po và sông Adige hàng chục km, gây ra tình trạng xâm nhập mặn và ảnh hưởng tới tới mùa màng và nguồn nước uống của một số ngôi làng địa phương.
Ông Alessandro Bratti, một lãnh đạo của chính quyền lưu vực sông Po, nói rằng chính phủ hiện không có kế hoạch dài hạn nào về dự án cơ sở hạ tầng để xử lý tình trạng xâm nhập mặn. Trong khi đó, dự án hàng rào chống mặn mới chỉ nhận được tài trợ trên một nhánh của sông Po-con và sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.
Trong lúc này, những người nông dân Italy đang cố gắng khắc phục tình trạng khô hạn bằng cách đầu tư những hệ thống tưới tiêu chính xác để tiết kiệm nước. Ông Simone Cocchi, chủ trang trại Pascolone ở gần thành phố Bologna, cho biết đang sử dụng các phương pháp tưới nhỏ giọt, phần mềm Irriframe – cổng Internet phân tích dữ liệu thời tiết, thiết bị cảm biến độ ẩm dưới lòng đất để giúp tưới cây có hiệu quả.
“Với công nghệ và Internet, chúng tôi đã giảm một nửa nhu cầu về nước, đạt được mục tiêu không để cây khô hạn hay tưới quá nhiều. Vấn đề duy nhất là những hệ thống đó rất đắt tiền”, ông Cocchi nói.
Thiết bị đắt nhất mà những nông dân như ông Cocchi sử dụng là công cụ cảm biến, có giá khoảng 55 USD/đầu dò. Mặc dù hệ thống tưới nhỏ giọt có giá rẻ, nhưng việc lắp đặt các thiết bị này trên hàng trăm cây có thể tiêu tốn tới hàng nghìn USD, chưa bao gồm chi phí nhân công.
Hiện tại, có 16 khu vực tại Italy đang sử dụng dữ liệu thời tiết, độ ẩm và vệ tinh của Irriframe, nâng tổng cộng lên 7 triệu ha đất được tưới tiêu tiết kiệm. Ngay cả khi những cải tiến tiết kiệm nước được áp dụng, người nông dân tại các khu vực này vẫn phải vật lộn nếu trời không mưa.