Khai mạc Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022: Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch

Mai Anh|12/10/2022 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.

d-dan-du-lich-song-me-cong.jpg
Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022.

Ngày 12/10, Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 chính thức khai mạc tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf, tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”.

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chủ trì tổ chức với sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông và hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Sự kiện được tổ chức sau Phiên họp Nhóm công tác du lịch Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 50 và Phiên họp Hội đồng Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công.

Diễn đàn tổ chức hàng năm nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, du lịch Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế, được Tổ chức Du lịch Thế giới ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến COVID-19.

tcdl.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL Việt Nam) Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 USD. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch.

"Riêng trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS trong ba quý đầu năm. Tôi tin rằng lượng trao đổi khách sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, khi các nước trong tiểu vùng đang lần lượt gỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến COVID-19, tạo điều kiện kết nối điểm đến", ông Khánh nói.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, những năm gần đây, hợp tác du lịch Tiểu vùng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan. Diễn đàn Du lịch Mê Công và các phiên họp du lịch liên quan được tổ chức định kỳ, góp phần không nhỏ trong việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, nắm bắt thông tin, tranh thủ và huy động tài trợ quốc tế nhằm triển khai các dự án du lịch chung của Tiểu vùng.

Có thể khẳng định, du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Công lần lượt mở cửa, đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể cho cả năm nay.

"Để thành công tái thiết ngành du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành du lịch Mê Công. Là các nước có lợi thế về vị trí địa lý gần, với sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, tôi tin tưởng trong thời gian không xa, khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế", ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.

Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS trước những khó khăn, thách thức bởi tác động lâu dài của COVID-19 và sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các quốc gia, khu vực khác ngoài tiểu vùng sau đại dịch, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc.

Để làm được điều đó, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển. Bên cạnh các đối tác quen thuộc như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thời gian tới Tiểu vùng Mê Công mở rộng sẽ tích cực tìm kiếm, phối hợp với các nhà đầu tư mới, tiềm năng để tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tiểu vùng.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Diễn đàn là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS và hơn thế nữa. Tỉnh Quảng Nam đang tăng cường nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại.

"Tỉnh Quảng Nam cũng là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất trong năm "Du lịchViệt Nam 2022" với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh". Tỉnh cũng cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên", ông Tân nói và khuyến khích các đại biểu trải nghiệm những địa điểm độc đáo của Quảng Nam như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thưởng thức các đặc sản địa phương, những bãi biển đẹp và các ngôi làng đặc sắc.

Bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) cho biết, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cuộc khủng hoảng này đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi. Phiên thảo luận sẽ xây dựng viễn cảnh tương lai về cách các siêu xu hướng phát triển và các động lực du lịch lan tỏa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt tại khu vực Mê Công, đồng thời thảo luận các bên liên quan trong ngành du lịch nên thích ứng như thế nào cho tương lai.

Chuyên gia cao cấp về Du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Wouterus Schalken, đã chia sẻ quan điểm cá nhân về "Hồi sinh du lịch bền vững - Suy ngẫm về Mê Công". Ông nhấn mạnh các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch, tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022: Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch