Thời gian gần đây, các tài xế chuyên đưa đón khách di chuyển từ TP Nha Trang đi Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (sân bay Cam Ranh) cho biết, trên đèo Cù Hin có khối đá to có nguy cơ sạt lở. Đáng nói, Nha Trang - Khánh Hòa đang bước vào mùa mưa lũ và đèo Cù Hin đã từng xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể, 2 khối đá nhỏ và 1 khối đá lớn nằm trên một lớp đất có độ dày khoảng 60cm đã bị nước xói mòn một phần chân, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.
Các khối đá này nằm trên đèo Cù Hin ở độ cao 30 m, cách mép đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua xã Phước Đồng khoảng 25 m. Đèo Cù Hin dài khoảng 8 km, nối từ TP Nha Trang dẫn ra sân bay Cam Ranh. Đây là một trong những cung đường đèo đẹp tại Khánh Hòa, với nhiều khúc cua và mật độ xe chạy nhiều.
Liên quan đến nguy cơ sạt lở trên đường đèo Cù Hin, từ cuối tháng 9, UBND TP Nha Trang đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa về việc phát hiện 3 khối đá nằm trên khu vực đồi núi đèo Cù Hin, thuộc thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn.
Ngày 31/10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế TP Nha Trang, UBND xã Phước Đồng và Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông Khánh Hòa (đơn vị bảo trì) kiểm tra hiện trường để tìm hướng xử lý.
Theo đó, trước mắt, để cảnh báo kịp thời cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua đây, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND TP Nha Trang chỉ đạo UBND xã Phước Đồng cắm 2 biển cảnh báo “điểm có nguy cơ sạt lở, đá lăn”.
Vị trí biển cảnh báo số 1 (chiều từ Nha Trang đi Sân bay Cam Ranh) bên phải mép đường Nguyễn Tất Thành tại Km12+000. Vị trí biển cảnh báo số 2 (chiều từ sân bay Cam Ranh đi Nha Trang) bên phải mép đường Nguyễn Tất Thành tại Km12+100.
Để đảm bảo an toàn lâu dài cho người và phương tiện tham gia giao thông, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh giao UBND TP Nha Trang chỉ đạo UBND xã Phước Đồng phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án xử lý khối đá nói trên.
Tuy nhiên, ngày 5/11, UBND xã Phước Đồng có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải và UBND TP Nha Trang cho biết, hiện nay, UBND xã đã thực hiện xong việc cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở.
Đối với nội dung lập phương án xử lý, UBND xã không đủ năng lực để chủ trì như ý kiến đề xuất của đoàn kiểm tra vì công trình đường Nguyễn Tất Thành do Sở Giao thông vận tải quản lý.
Do đó, UBND xã Phước Đồng kiến nghị các cấp lãnh đạo giao các cơ quan chức năng đủ năng lực để chủ trì lập phương án xử lý nguy cơ sạt lở đối với khối đá nói trên. UBND xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.
Sạt lở đất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là một số tác động chính:
Thiệt hại về đất đai: Sạt lở đất làm mất đi lớp đất màu mỡ, gây khó khăn cho việc trồng trọt và phục hồi hệ sinh thái.
Mất đa dạng sinh học: Lũ quét và sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.
Ô nhiễm nguồn nước: Sạt lở có thể mang theo chất thải, hóa chất và rác thải, gây ô nhiễm các nguồn nước như sông, suối.
Tăng nguy cơ thiên tai: Những khu vực đã trải qua lũ quét và sạt lở đất có thể dễ bị tổn thương hơn trong các trận lũ lụt hoặc sạt lở tiếp theo.
Hủy hoại cơ sở hạ tầng: Các công trình như cầu, đường giao thông và nhà cửa có thể bị phá hủy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế.
Thay đổi địa hình: Sạt lở có thể làm thay đổi cấu trúc địa hình, ảnh hưởng đến dòng chảy của nước và làm tăng khả năng xảy ra lũ quét trong tương lai.