Khánh Hòa: Tiếp tục kiến nghị di dời Nhà máy thuốc lá Khatoco khỏi khu dân cư

Theo TTXVN|19/07/2019 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Khánh Hòa xác định phải hoàn thành việc di dời Nhà máy sản xuất thuốc lá Khatoco Khánh Hòa vào Cụm Công nghiệp Trảng É vào năm 2020 vì nhà máy này hiện gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phải một lần nữa trả lời cử tri trong tỉnh về trường hợp hai nhà máy chế biến, sản xuất thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đặt trên địa bàn thành phố Nha Trang gây ô nhiễm môi trường, hoặc nằm giữa lòng nội thị nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Điều này khiến đời sống của người dân xung quanh khu vực nhà máy bị ảnh hưởng kéo dài.

Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá của Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco được đầu tư xây dựng trên diện tích đất 5,7ha tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang.

Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng, trong đó dây chuyền thiết bị chế biến tách cọng có công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm, được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2012.

Nhiều người dân khu vực Bình Tân, TP Nha Trang, gần Nhà máy thuốc lá Khánh Hòa của Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco), vừa tiếp tục đề nghị HĐND và các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa xem xét “di dời Nhà máy thuốc lá Khánh Hòa (Khatoco) ra khỏi khu dân cư vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”.

Đó là tình trạng đã tồn tại từ nhiều năm qua. Năm ngoái, cử tri ở các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Nha Trang đã có kiến nghị xem xét, giải quyết nhưng đến nay vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn vận hành, mùi thuốc lá và tiếng ồn, bụi gây ô nhiễm môi trường khiến hầu hết các hộ dân sinh sống gần đó phản ứng gay gắt, buộc nhà máy phải nhiều lần thực hiện các biện pháp khắc phục.

Theo nội dung trả lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco đã thực hiện việc lập hồ sơ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xác nhận theo quy định.

Kết quả kiểm tra, giám sát môi trường định kỳ về các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, do cụm công nghiệp nằm khá gần khu dân cư, việc tác động của một số ngành nghề sản xuất đặc trưng (như mùi thuốc lá) trong quá trình hoạt động là không tránh khỏi.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao thành phố Nha Trang di dời các hộ dân và tạo dải cây xanh cách ly giữa nhà máy với khu dân cư.

Hiện nay, thành phố Nha Trang đã đền bù, giải tỏa được 39 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi khác định cư; 4 hộ dân còn lại đang được xem xét giải quyết kiến nghị hoặc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Nhà máy thuốc lá Khatoco. (Nguồn: Thuoclakhanhhoa.khatoco.com)

Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa thuộc Khu công nghiệp Bình Tân, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, có diện tích 4,3ha, nằm trong khu nội thành, phải thực hiện theo chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu dân cư nội thành với định hướng phát triển thành phố Nha Trang thành trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ lớn.

Về trường hợp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2643/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (khóa XVII) về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội thành phố Nha Trang đến năm 2020.

Tỉnh xác định đến năm 2020, phải hoàn thành việc di dời các nhà máy của Tổng Công ty Khánh Việt vào Cụm Công nghiệp Trảng É, thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 11/7/2018, Tổng Công ty Khánh Việt đã được Bộ Công Thương có công văn chấp thuận chủ trương di dời Nhà máy thuốc lá Khatoco vào Cụm công nghiệp Trảng É 1.

Tổng Công ty Khánh Việt đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy thuốc lá tại Cụm công nghiệp Trảng É 1 và dự kiến sẽ hoàn tất việc di dời nhà máy này trong năm 2020.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khánh Hòa: Tiếp tục kiến nghị di dời Nhà máy thuốc lá Khatoco khỏi khu dân cư
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.