(Moitruong.net.vn) – Nhắc đến Bắc Ninh, người ta nghĩ ngay đến cái nôi của dân ca quan họ. Không chỉ là cái nôi của dân ca quan họ, Bắc Ninh còn được biết đến là kinh đô của những lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là di sản quý và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc, chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo.
Lễ hội mở hàng năm từ ngày mồng 4 đến mồng 5 tháng Giêng âm lịch (xã Phật Tích, huyện Tiên Du). Chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc Tự, chùa là nơi các nhà sư Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên đến truyền dạy đạo Phật vào nước ta rồi xuôi theo dòng sông Dâu về vùng Luy Lâu lập nên trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Ngày nay, lễ hội chùa Phật Tích là điểm đến của đông đảo du khách thập phương,nhất là vào dịp đầu năm mới. Mọi người đi chùa cầu nguyện năm mới an lành sức khỏe, công việc hanh thông, thịnh vượng. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: bia đá, vườn tháp, hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2012. Năm 1962, chùa Phật Tích được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh diễn ra từ 12 đến 14 tháng Giêng Âm lịch
Hội Lim
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, trong đó ngày 13 là chính hội.
Hội Lim bao gồm những nghi lễ trang nghiêm, nhằm tỏ lòng thành kính với vị tổ của làn điệu dân ca quan họ, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh phong phú. Nhiều trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi như đấu vật, đấu cờ, đánh đu, thi dệt cửi, nấu cơm…
Hoạt động nổi bật nhất trong lễ hội là hát quan họ. Các liền anh, liền chị thể hiện những làn điệu quan họ trữ tình, nồng nàn trên chiếc thuyền hình rồng tại hồ nước sát bên cánh đồng làng Lim. Người tới trẩy hội thường là các nam thanh nữ tú, bởi đây được coi là dịp tìm bạn, tìm duyên.
Về với hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật. Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hoá cao. Hội Lim luôn để lại trong lòng người đi hội một điều gì đó rất đẹp. Đó chính là nét đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở Kinh Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt.
Lễ hội đền Bà Chúa kho
Lễ hội Đền Bà Chúa Kho khai hội vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch để tưởng niệm ngày giỗ Bà Chúa Kho được tổ chức tại Đền Bà Chúa Kho, thôn Cổ Dương, phường Vũ Ninh, Tp. Bắc Ninh. Truyền thuyết kể lại rằng Bà Chúa Kho là người phụ nữ xinh đẹp, lại khéo sản xuất, phụ trách tích trữ lương thực và chăm nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt (1076) do Lý Thường Kiệt lãnh đạo. Cũng vào khoảng thời gian này, Bà còn có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (năm 1077), trong lúc phát lương cứu giúp dân làng Bà đã bị giặc sát hại. Nhà vua thương tiếc hạ chiếu phong Bà là Phúc Thần.
Người dân tỏ lòng biết ơn đã lập đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với sự tôn kính là Bà Chúa Kho.
Mỗi khi Tết đến xuân về, du khách thập phương lại nô nức tới đền Bà Chúa Kho, đặc biệt là giới kinh doanh buôn bán. Theo quan niệm “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”, những người tới đây trẩy hội đều mong muốn phát tài phát lộc trong năm mới và cầu bình an, sức khỏe.
Lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra từ ngày 14 đến ngày 19 tháng Giêng Âm lịch
Lễ hội Kinh Dương Vương
Lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra từ ngày 14 đến ngày 19 tháng Giêng Âm lịch (trong đó ngày 18 là chính hội) tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Trong ngày này, các bô lão và nhân dân làng Á Lữ tiến hành lễ rước Thuỷ tổ Kinh Dương Vương, đại đế Lạc Long Quân và hoàng hậu Âu Cơ từ lăng về lại đền thờ. Cũng trong ngày này, các vị bô lão trong làng tiến hành lễ tế cầu nhân khang vật thịnh mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an
Cùng với phần lễ còn có phần hội với các hoạt động văn hoá, giải trí và nhiều trò chơi dân gian như: Hát quan họ, chơi xích đu, chơi ô ăn quan, cờ người… đáp ứng yêu cầu thưởng thức và vui chơi của nhân dân địa phương và du khách
Hiện nay, trong lăng và đền thờ các bậc đế vương đầu tiên của nước Việt vẫn còn nhiều bảo vật như 3 ngai thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, 15 sắc phong, thần phả, văn tế, hoành phi, câu đối cổ nói về Kinh Dương Vương như Nam tổ miếu, Bách Việt Tổ, Nam Bang Thủy tổ… Đặc biệt nơi đây vẫn còn một tấm bia đề chữ Kinh Dương Vương lăng và hai chữ “Bất vong” (Không bao giờ mất). Với mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, năm 2012, UBND tỉnh Bắc Ninh lập dự án quy hoạch, xây dựng bổ sung khu quần thể di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương với tổng diện tích gần 350.000 m2, tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Đến nay, một số hạng mục đã được triển khai và theo kế hoạch, đến năm 2019, dự án sẽ hoàn thành.
Lễ hội Đền Đô
Đền Đô là nơi thờ tám vị vua nhà Lý. Lễ hội đền Đô diễn ra tại làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm, chính hội vào ngày 16. Đền Đô là một ngôi đền cổ lâu đời, được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn, đến nay đa số các hạng mục công trình đã được khôi phục và xây mới lại.
Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân trọng và gìn giữ tinh hoa cha ông bao đời xây đắp.
Lễ hội chùa Dâu
Chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Hội chùa Dâu diễn ra từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch. Đây được coi là ngôi chùa hình thành sớm nhất ở Việt Nam khi Phật Giáo mới du nhập, lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ như thành cổ Luy Lâu, lăng mộ Sĩ Tiếp, hệ thống chùa chiền, đền đài, dinh thự, bảo tháp…
Lễ hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng và quy mô vào chính hội ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch – tức lễ Phật đản. Đây là ngày hội của nhà nông, với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Một số hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức là cướp nước, dâng nước, đánh gậy trên bãi chùa Dâu, múa sư tử, đốt cây bông…
Lễ hội chùa Bút Tháp
Lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23 và 24/3 Âm lịch hàng năm tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Các hoạt động trong lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, trang trọng và phù hợp với cuộc sống đương đại. Phần lễ diễn ra trong khu nội tự với các hoạt động tín ngưỡng như: lễ cúng phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng tổ… Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ, chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa như: cầu đá, cối xay gạo, tháp bút, pho tượng phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam – một bảo vật quý hiếm của Quốc gia, du khách còn được hòa mình trong không gian rộng lớn của phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ như: hát Quan họ trên truyền rồng; hát chèo cùng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian đặc sắc và hoạt động thi đấu thể dục thể thao như: Cờ tướng, Tổ tôm điếm, Bóng bàn, Cầu lông.
Thùy Dương