VIDEO: Ông Nguyễn Vỹ Lê – Giám đốc Công ty CP Intero Việt Nam hù doạ khách hàng
Liên quan đến việc ông Vũ Anh Quân (sinh năm 1980, ngụ Q.4, TP.HCM) gửi đớn cầu cứu tới hàng loạt cơ quan báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Vỹ Lê – Giám đốc Công ty Cổ phần Intero Việt Nam (địa chỉ Phòng 6, tầng 10, TTTM Vincom số 70 -72 Lê Thánh Tôn P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) và cộng sự có lời lẻ đe dọa, uy hiếp tính mạng của chính mình trái pháp luật.
Đơn cầu cứu của ông Vũ Anh Quân gửi tới cơ quan báo chí
Bên cạnh đó, ông Quân còn tố cáo lãnh đạo công ty này xem nhẹ quyền lợi của khách hàng khi chây ì, không chịu thanh toán số tiền gần 300 triệu đồng theo hợp đồng thanh lý số 300719/BBTLHĐ-2019 từ việc mở bán dự án bất động sản không có thật (tại Phường An Phú, Quận 2, TP.HCM) khiến bản thân ông rơi vào nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Trong Biên bản thanh lý hợp đồng phái Công ty intero Việt Nam cam kết bồi thường cho ông Quân hơn 300 triệu đồng, nhưng đến nay ông Quân vẫn chưa nhận được hết tiền như đã cam kết
Theo đó, ngày 30/9/2019, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã đăng tải bài viết: TP.HCM: Giám đốc Công ty CP Intero Việt Nam có biểu hiện “quỵt tiền” khách hàng. Sau khi, bài viết được đăng tải, tòa soạn tiếp tục nhận được phản ánh của ông Vũ Anh Quân cho biết Công ty Cổ phần Intero Việt Nam tiếp tục chây ì, không có động thái trả lại quyền lợi chính đáng cho mình. Cho đến nay, ông Quân không thể liên hệ được với công ty này để đòi lại quyền lợi cho mình.
Chiều ngày 16/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Vỹ Lê – Giám đốc Công ty Cổ Phần Intero Việt Nam cho biết, về mặt pháp lý ông cũng là nạn nhân và ông không cần phải trả khoản tiền phạt 320 triệu đồng trong hợp đồng thanh lý với ông Vũ Anh Quân vì đó là tiền phạt.
“Đó là tiền phạt, tiền của nó anh chưa đụng vào một đồng nào. Tiền nó đặt cọc vào trong ngân hàng lời nó hưởng, khi anh ra sổ được thì tiền đó chuyển qua cho anh. Trong thời gian chờ đợi thì tiền lời nó hưởng hết. Có nghĩa anh tự phạt anh nên anh không cần phải trả…”, ông Nguyễn Vỹ Lê nhấn mạnh.
Cũng theo giám đốc Công ty Cổ Phần Intero Việt Nam, đây là một hợp đồng nho nhỏ nếu không hài lòng thì có thể đi thưa ra tòa. “Nếu ông tòa phán anh sai thì bao nhiêu tiền anh cũng sẽ trả, nhưng anh sẽ trình bày với tòa là anh đang khó khăn lúc đó thế nào thì để ông tòa xử…”, ông Nguyễn Vỹ Lê nói thêm.
Trước đó, ngày 26/8, khi ông Vũ Anh Quân tìm đến Công ty CP Intero Việt Nam để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình thì ông Quân đã bị ông giám đốc Nguyễn Vỹ Lê và cộng sự của mình dùng những lời lẻ ngang tàng như: “Khi nào có thì trả…Biến!” nhằm đuổi khách hàng của mình ra về. Thậm chí người của công ty Công ty CP Intero Việt Nam còn chỉ mặt đe dọa “đập chết mẹ thằng này chứ láo”.
“Không những thế ông Nguyễn Vỹ Lê còn hùng hổ quát tháo to tiếng, đập điện thoại xuống bàn, chỉ vào mặt tôi hù dọa và đuổi tôi ra về”, ông Quân sợ hãi nhớ lại.
Ông Nguyễn Vỹ Lê – Giám đốc Công ty CP Intero Việt Nam không những không hợp tác với ông Quân để giải quyết vấn đề mà ông Lê còn có thái độ hung hãn, hù dọa ông Quân
Từ đó cho đến nay, ông Giám đốc Nguyễn Vỹ Lê và Công ty CP Intero Việt Nam không có động thái thực hiện các điều khoản trong hợp đồng thanh lý với ông Vũ Anh Quân. Cho đến hiện tại, ông Quân đang rất hoang mang khi hằng ngày phải chờ đợi trong vô vọng.
Theo luật gia Vũ Hoàng – Trợ lý trưởng Văn Phòng Luật sư INTERLA, dựa trên nội dụng của thỏa thuận đặt cọc số 1801/TTĐC – 2019, Bên B có quyền yêu cầu Bên A trả lại toàn bộ số tiền đã đặt cọc và thanh toán thêm một khoản tiền bằng 20% khoản tiền mà Bên B đã đặt cọc là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Luật gia Vũ Hoàng – Trợ lý trưởng Văn Phòng Luật sư INTERLA
Do đó, việc Công ty CP Intero Việt Nam (Ông Nguyễn Vỹ Lê làm đại diện) không chịu thanh toán số tiền 325.242.000 đồng (Ba trăm hai mươi lăm triệu, hai trăm bốn mươi hai nghìn đồng) cho Ông Vũ Anh Quân là đã vi phạm thỏa thuận đặt cọc, vi phạm thỏa thuận trong biên bản thanh lý hợp đồng giữa hai bên và không tuân thủ quy định pháp luật về đặt cọc.
Theo nội dung thỏa thuận trong biên bản thanh lý hợp đồng có ghi rõ thời hạn thanh toán, cách thức thanh toán nhưng Bên A không thực hiện theo biên bản thanh lý và đến hiện tại vẫn còn nợ Bên B số tiền 275.242.000 đồng. Hành vi này của Bên A không phù hợp với quy định của pháp luật, họ có hành vi trốn tránh không muốn thực hiện theo những thỏa thuận đã được xác lập giữa hai bên.
Nếu Bên A vẫn tiếp tục không trả số tiền còn nợ này thì Bên B có thể làm đơn khởi kiện Bên A và gửi lên Tòa án nhân dân nơi Bên A đang đặt trụ sở, yêu cầu buộc Bên A thanh toán số tiền còn nợ và lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm thanh toán này.
Cũng theo luật gia Hoàng, việc Ông Nguyễn Vỹ Lê và cộng sự có thái độ hù dọa, uy hiếp khi Ông Vũ Anh Quân đến đề nghị giải quyết vụ việc giữa hai bên thì chỉ là những lời đe dọa thông thường khiến Ông Quân sợ hãi, hoang mang nhằm trốn tránh không muốn thực hiện theo những thỏa thuận đã được xác lập giữa hai bên. Hành vi hù dọa, uy hiếp này của Ông Lê và cộng sự chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ yếu tố cấu thành “Tội đe dọa giết người” được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, Ông Quân có thể đề nghị cơ quan công an can thiệp, bảo vệ để tránh các hành động tương tự đối với ông. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh về việc Ông Lê và cộng sự đe dọa Ông Quân như các đoạn băng ghi âm, ghi hình, các nhân chứng… Ông Quân cũng có quyền đề nghị cơ quan công an ra quyết định xử phạt đối với hành vi đe dọa của Ông Lê và cộng sự theo quy định của pháp luật.
Qua sự việc trên, Công ty CP Intero Việt Nam nên có những động thái tích cực giải quyết vấn đề, đặc biệt là thanh toán số tiền như đã cam kết trong hợp đồng và biên bản thanh lý hợp đồng cho ông Vũ Anh Quân, để tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Thiên Nam