Những chuyến tàu với mục tiêu chở 10 triệu lít nước mỗi ngày từ con đập tại Jolarpettai, cách đó 360 km, được kỳ vọng làm “thỏa cơn khát” của cả thành phố. Hoạt động này sẽ được tiếp tục với tần suất 4 chuyến/ngày cho tới khi tình hình nước sinh hoạt tại Chennai được cải thiện.
Tình hình thiếu nước tại Chennai là một điển hình về cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt tại Ấn Độ. Khí hậu thay đổi thất thường kèm theo mực nước ngầm cạn kiệt sau nhiều năm khai thác tràn lan đã khiến hạn hán hoành hành tại nhiều nơi trên khắp nước này.
Amudha, một cư dân Chennai, cho biết gia đình cô từng lấy được khoảng 300 lít nước mỗi ngày. Kể từ khi khủng hoảng thiếu nước xảy ra, bốn người trong nhà cô phải chia nhau 100 lít nước trong hai ngày. “Trẻ sơ sinh cần tắm hàng ngày, nhưng vì không có nước, chúng tôi đành lấy một ca nước rồi nhúng khăn lau cho chúng”, Amudha nói.
Chuyến tàu đầu tiên chở nước về thành phố Chennai ngày 12/7.
Từ sáng sớm, hàng triệu người dân thành phố xếp hàng lấy nước từ những xe bồn do chính quyền bang cung cấp. Tuy nhiên, nguồn cung này cũng không ổn định. Một số may mắn lấy được nước hàng ngày, trong khi những người khác, bao gồm cư dân từ những vùng thu nhập thấp, phải đợi lâu hơn.
Bốn hồ chứa thường cung cấp nước cho Chennai gần như cạn khô. Dù thành phố có mưa rải rác trong vài tuần qua, những cơn mưa lớn đủ cấp nước cho các hồ chứa được dự báo phải tới tháng 11 mới đến.
Gia đình bà Rukmani không hứng được giọt nước nào từ đường ống nước sinh hoạt suốt tám tháng qua, nên phải tự đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Nước ngầm cũng khan hiếm tới mức gia đình phải chạy máy suốt 10 giờ mỗi ngày chỉ để lấy được 300 lít nước. Hóa đơn tiền điện lên tới 11.000 rupee (160 USD) mỗi tháng, trở thành gánh nặng với cả gia đình.
Các quan chức chính phủ khẳng định những chuyến tàu chở nước sẽ hỗ trợ thêm cho hệ thống cấp nước tại Chennai, nhưng nhiều cư dân tỏ ra nghi ngờ về việc này.
Bà Muniamma, cư dân khu Chetpet tại thành phố, cho biết cả gia đình phải “đánh vật” để có được 120 lít nước mỗi ngày. “Tôi hiểu giá trị của nước trong mùa hè tới mức tôi không dám lãng phí dù chỉ một giọt”, bà Muniamma nói.
Để tiết kiệm nước, người dân thành phố phải tái sử dụng nước nhiều lần. Các dụng cụ được rửa bằng nước bẩn còn nước sạch chỉ được dùng cho ăn uống. “Tôi lau nhà bằng nước giặt quần áo, tưới cây bằng nước rửa rau. Dù vậy, chúng tôi vẫn thiếu nước”, bà Muniamma nói.
Theo báo cáo năm 2018 của Niti Aayog, một cơ quan điều tra của Ấn Độ, khoảng 600 triệu người tại đất nước 1,3 tỷ dân này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.
Trang Hạ (t/h)