(Moitruong.net.vn) – Sáng nay (ngày 4/12), tại ấp 3, xã Tân Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng (04/12/1967 – 04/12/2017) và khánh thành Bia chiến thắng 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức đã đến dự.
Bia chiến thắng 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng
Công trình Bia chiến thắng tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng do tác giả Nguyễn Oanh thiết kế, gồm các hạng mục gồm: Bệ tượng cao 08m bằng bê tông cốt thép, sơn giả đá; biểu tượng, phù điêu, văn bia; hàng rào; cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng… trên diện tích trên 2.000m2 tọa lạc tại xã Tân Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2017 do Sở VHTTDL Đồng Tháp làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng trên 4,5 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh Tiền Giang đóng góp vào công trình bằng diện tích đất.
Bia chiến thắng thể hiện hình ảnh xạ thủ B41 Nguyễn Minh Trí là chiến sĩ Tiểu đoàn 502, phía trên là cờ Tổ quốc và nòng súng ghi lại những chiến tích năm xưa do lực lượng Tiểu đoàn 502 chiến đấu và chiến thắng, phía dưới là tàn tích tàu Mỹ gắn huy hiệu Thuỷ quân bị bắn vỡ, chìm trên dòng sông Rạch Ruộng.
Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết Công trình Bia chiến thắng 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng trong quá trình khởi công xây dựng đã gặp không ít khó khăn như: giao thông đường bộ hẹp, đi lại không thuận tiện, phải vận chuyển vật tư bằng đường thủy, mặt bằng công trình thấp, đất nhiều mạch ngầm, khi triều cường nước ngấm vào công trình, lưới điện yếu và vài điều chỉnh nhỏ vể mỹ thuật Biểu tượng Bia cho phù hợp mặt bằng thực tế xây dựng nên cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Dù gặp một số khó khăn nhất định, nhưng với tinh thần đôn đốc, giám sát sát sao của Sở VHTTDL Đồng Tháp, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị thi công sau hơn 7 tháng thi công, công trình cơ bản hoàn thành các hạng mục chính để đưa vào sử dụng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu ôn lại lịch sử hào hùng trận đánh năm xưa
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng và khánh thành Bia chiến thắng 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu đã ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 502.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho rằng Bia chiến thắng có ý nghĩa chính trị to lớn đối với nhân dân 02 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, đó là công trình ghi nhớ chiến công và tấm gương hy sinh anh dũng của những liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; qua đó, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau.
Công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa to lớn này để làm nơi sinh hoạt hóa văn, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau, ra sức học tập, công tác, cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Quang cảnh buổi lễ
Cách đây 50 năm, vào ngày 04/12/1967, trên sông Rạch Ruộng thuộc xã Thanh Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho nay là xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Tiểu đoàn 502 bộ đội địa phương tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) dưới sự hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã mưu trí, dũng cảm giáng cho quân Mỹ và tay sai một đòn chí mạng, lập nên chiến công hiển hách đánh bại cuộc hành quân hỗn hợp của Mỹ – Ngụy, làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, bẻ gãy ý đồ tìm diệt và chọc sâu, chiếm đóng Đồng Tháp Mười của Mỹ – Ngụy.
Đây là trận đánh Mỹ và thắng Mỹ lớn nhất của Tiểu đoàn 502, xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng mà tiêu biểu là xạ thủ súng B41 Nguyễn Minh Trí. Trận đánh này được Khu ủy, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam gửi điện khen ngợi: “Đây là một chiến công xuất sắc, chiếm kỷ luật cao nhất về thành tích đánh phá cơ giới, phương tiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch trong thời gian ngắn nhất ở chiến trường đồng bằng”.
Đồng Phú