Kiên Giang bơm bổ sung hơn 2,5 triệu m3 nước vào rừng để phòng chống cháy

Huyền Trang|10/03/2024 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ đầu mùa khô năm 2024, hơn 2,5 triệu m3 nước đã được các chủ rừng ở vùng Tứ giác Long Xuyên bơm bổ sung vào rừng để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong 2 ngày 7-8/3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Kiên Giang đã đi thực địa, kiểm tra công tác phòng chống cháy, chữa cháy rừng tại vùng Tứ giác Long Xuyên.

Ông Đoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cho biết, để chủ động bảo vệ rừng và phòng chống cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024, đơn vị đã chỉ đạo các chủ rừng bơm bổ sung hơn 2,5 triệu m3 nước vào rừng ở huyện Hòn Đất và Giang Thành để giữ ẩm, phòng chống cháy. Đồng thời, các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng theo phương án được duyệt, như tiến hành cày, ủi đường băng cản lửa, đắp gia cố các đập giữ nước, cống điều tiết nước, nạo vét giếng khơi trữ nước, bố trí bồn, bể trữ nước tại các khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

chong-chay-rung-3.jpg
Các trạm bơm chủ động nguồn nước ứng phó với tình huống cháy rừng tại các VQG được đảm bảo vận hành an toàn, linh hoạt. Ảnh: BTN

Huyện Hòn Đất nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 10.325 ha, gồm rừng phòng hộ 7.136 ha, còn lại là rừng sản xuất. Ông Đào Xuân Nha, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Hòn Đất cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện xác định diện tích vùng trọng điểm dễ cháy rừng cần tập trung các biện pháp bảo vệ là 6.250 ha. Các diện tích rừng này do các chủ rừng trực tiếp quản lý là Rừng tràm Sư đoàn Bộ binh 4, Lâm trường 422, Rừng tràm phòng hộ Ban quản lý rừng Kiên Giang, Rừng sản xuất của Công ty CP Gỗ MDF VGR Kiên Giang, rừng sản xuất của Nông lâm trường Hòn Đất. Hiện các chủ rừng đã bố trí trạm, chốt, láng trại và trang thiết bị trực theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo ông Nha, mùa khô năm 2024 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thời gian khô hạn sẽ kéo dài, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao. Trong khi đó, hệ thống đê bao các khu vực rừng tràm của các đơn vị chủ rừng chưa được kiên cố hoàn thiện, một số nơi có đất than bùn không giữ được nước nên thường bị khô kiệt vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Hệ sinh thái rừng đồi núi xã Thổ Sơn vào mùa khô nguồn nước quanh chân núi cạn kiệt, kênh rạch cách xa chân núi, thảm thực vật trong rừng khô nỏ, cuộc sống, sinh hoạt của người dân liền kề với rừng dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, trong khi trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu.

Tại huyện biên giới Giang Thành, có diện tích đất lâm nghiệp có rừng là gần 2.191 ha, được giao cho 5 đơn vị chủ rừng quản lý bảo vệ là Trung đoàn 30, Sư 330, Lâm Trường 422, Ban quản lý rừng Kiên Giang và Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ. Ngoài ra, còn một số diện tích rừng nằm rải rác trong nhân dân.

Theo ông Bùi Văn Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Giang Thành, hiện nay các khu rừng trên địa bàn huyện đang trong tình trạng khô kiệt, ngay cả hệ thống kênh mương trong rừng, do đó khi xảy ra cháy rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy do thiếu nguồn nước. Huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, rà soát bổ sung phương án phòng cháy chữa cháy rừng của từng địa phương, đơn vị chủ rừng, phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để tổ chức lực lượng canh gác. Đặc biệt là các khu rừng dễ cháy, có nguy cơ cháy cao bố trí kiểm lâm địa bàn ứng trực 24/24 để kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không cho người vào ra rừng, sớm phát hiện dập tắt các vụ cháy mới phát sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang bơm bổ sung hơn 2,5 triệu m3 nước vào rừng để phòng chống cháy