Kiên Giang: Chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trương Anh Sáng|06/12/2019 10:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất đáp ứng chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo đó, Quy hoạch thủy lợi nhằm quản lý đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp chủ động phòng, chống thiên tai, nguồn nước ngọt và mặn. Hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi hợp lý về mặt kinh tế, kỹ thuật và bảo vệ môi trường đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, trong đó phục vụ cho sản xuất lúa là chủ yếu, cung cấp nước mặn cho nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp, quảng canh, tôm – lúa), phát triển giao thông nông thôn và cơ sở hạ tầng nông thôn (điện, nước) để phát triển, bố trí dân cư.

Bên cạnh đó, quy hoạch thủy lợi góp phần tạo nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp và các ngành khác; vận hành hệ thống công trình mang tính liên vùng để kết hợp toàn diện nhiệm vụ tổng hợp của các công trình kiểm soát lũ, mặn, cấp và tiêu thoát nước. theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Áp dụng hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào trong canh tác nhằm hạn chế sử dụng nguồn nước vào mùa khô, hạn chế phát thải khí nhà kính. Bố trí lịch thời vụ, rải vụ thích hợp nhằm hạn chế sử dụng nước vào thời kỳ thiếu nước, cũng như lợi dụng nguồn nước tích trữ trên đồng. Sử dụng các giống lúa chịu mặn, chịu hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, từng mùa.

Chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Từng bước xây dựng các công trình kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên bao gồm: Cụm công trình kiểm soát lũ dọc kênh Vĩnh Tế; các kênh nối sông Hậu với kênh Rạch Giá – Hà Tiên, cùng với cụm công trình ven biển Tây. Nghiên cứu, triển khai dự án hệ thống công trình phục vụ sản xuất tôm, lúa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phía Nam Quốc lộ 80, huyện Hòn Đất. Gia cố hệ thống bờ bao, xây dựng các cống kiểm soát mặn, nạo vét các kênh trục để tăng cường khả năng kiểm soát lũ, tăng cường lấy phù sa và rửa phèn, rút ngắn thời gian ngập lũ cuối vụ, giảm tối đa xâm nhập mặn để chủ động sản xuất 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu an toàn.

Đối với vùng ven biển bổ sung các công trình lấy nước mặn và tăng cường thủy lợi nội đồng để phục vụ nuôi tôm hoặc tôm – lúa, tạo môi trường thông thoáng và độc lập với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp. Mặt khác, lợi dụng hệ thống các bờ bao, tiến hành trữ nước vào cuối mùa lũ, cấp nước cho thời gian mùa khô. Xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Xây dựng các công trình kiểm soát mặn còn thiếu từ Kiên Lương đến Châu Thành (Cống u thuyền T3 – Hòa Điền; cống kênh Nhánh; cống rạch Tà Niên). Hoàn thiện hệ thống cống dưới đê biển Tây và nâng cấp tuyến đê này. Đầu tư các cống còn thiếu trên tuyến đê bao Rừng quốc gia U Minh Thượng. Xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng theo các ô bao để điều tiết nước phục vụ sản xuất và kết hợp giao thông nông thôn. Xây dựng các tuyến đê, bờ bao phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất.

Nạo vét các kênh lấy mặn của khu vực ven biển An Minh – An Biên để đảm bảo khả năng lấy mặn, nâng cấp các tuyến đê sông Cái Lớn, Cái Bé và dọc các kênh trục. Nạo vét, mở rộng hệ thống kênh trục, cấp 1 nối sông Hậu với sông Cái Lớn, Cái Bé. Nạo vét, mở rộng hệ thống kênh trục và cấp 1 lấy nước vào vùng U Minh Thượng. Đắp bờ bao kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu theo quy mô kênh cấp 2, các ô bao quy mô 300-500ha. Rà soát, điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng cho phù hợp với Quy hoạch thủy lợi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh các văn bản, quy định để thực hiện tốt việc sản xuất đúng Quy hoạch. Xây dựng các quy định về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo hướng dẫn của Luật Thủy lợi và các văn bản có liên quan. Chủ động phổ biến các hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào trong sản xuất. Bố trí lịch thời vụ, rải vụ thích hợp nhằm hạn chế sử dụng nước vào thời kỳ thiếu nước, cũng như lợi dụng nguồn nước tích trữ trên đồng.

Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các giống lúa chịu mặn, chịu hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động nghiên cứu các giải pháp để từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, từng mùa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp