Kiên Giang: Phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững

Trương Anh Sáng|02/12/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) thực hiện giảm khai thác gần bờ, chuyển sang khai thác xa bờ nhằm phát triển bền vững.

Hiện nay toàn huyện có 1.523 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 245 phương tiện khai thác thủy sản xa bờ với tổng công suất 187.504 cv, đóng góp khoảng 70% sản lượng thủy sản khai thác ; có 1.278 phương tiện khai thác thủy sản gần bờ với tổng công suất 60.260 cv, đóng góp 30% sản lượng khai thác trên địa bàn huyện. Sản lượng khai thác hải sản đạt 165.496 tấn cá các loại, trong đó, năm 2017 đạt 67.018 tấn, năm 2018 đạt 67.068 tấn và 6 tháng đầu năm 2019 đạt 31.410 tấn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân phát triển ngành nghề khai thác thủy sản. Hàng năm Ủy ban nhân dân huyện đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ cho 341 tàu, hỗ trợ chính sách tín dụng đóng mới tàu cá cho 06 trường hợp, cấp 653 giấy phép cho các tàu cá do địa phương quản lý, thành lập 17 tổ đội khai thác thủy sản với 151 thành viên tương trợ nhau trên biển góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả, thu nhập của ngư dân.

Nuôi trồng thủy sản góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đồng thời, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua ngành khai thác thủy sản của huyện giảm khai thác gần bờ, chuyển sang khai thác xa bờ, khai thác các nghề có tính chọn lọc, ít gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy nghề khai thác theo hướng bền vững. Xây dựng kế hoạch nuôi thử nghiệm các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao ở địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân như: Mô hình nuôi tôm tích, nuôi hàu, vẹm xanh… đã tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề từ khai thác gần bờ sang nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, huyện cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan quy hoạch, phân vùng khai thác, vùng cấm khai thác, khu bãi giống cá mú tự nhiên tại khu vực Ba Hòn Nồm để tiến hành bảo vệ, quản lý và yêu cầu các phương tiện khai thác thủy sản phải hoạt động theo giấy phép khai thác thủy sản, không được sử dụng dụng cụ nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản.

Vươn khơi khai thác xa bờ.

Về vấn đề này, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Anh Nhịn cũng đã ban hành văn bản số 1171 ngày 10/9/2019 về việc phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện ven biển, đảo chỉ đạo quyết liệt các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban có liên quan phối hợp với Hội nghề nghiệp và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Đồng thời tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá địa phương hoạt động dài ngày trên biển và thường xuyên xuất, nhập bến trên địa bàn của địa phương khác; địa phương và cơ quan chủ quản cần tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên ngư dân an tâm bám biển, nhắc nhở thực hiện chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định tại địa phương nơi tàu cá hoạt động, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững