Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải Trần Quang Hoạt, năm nay xâm nhập mặn tăng cao, diễn biến bất thường và đến sớm hơn mọi năm, vào sâu tới các cửa cống nên việc lấy nước vào hệ thống phần nào gặp khó khăn. Tại huyện An Dương, giữa tháng 11, nước mặn vào sâu tới gần cống Văn Xá (xã Quốc Tuấn), độ mặn tăng cao bất thường hơn mọi năm. Theo kết quả kiểm tra của công ty, ngày 22-11, độ mặn đo được ở phía sông tại cống Hoàng Mai 2 là 0,5 phần nghìn, cao hơn trung bình mọi năm là 0,2 phần nghìn.
Tại huyện Tiên Lãng, nước mặn vào sâu tới cống Khuể, cống Rỗ với độ mặn cao hơn mọi năm, gây nhiều khó khăn cho việc lấy nước vào hệ thống của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Tiên Lãng.
Đặc biệt, tại hệ thống thủy lợi Đa Độ, độ mặn trên sông cao gấp 1,5 lần so với năm 2018, nước mặn đã vào sâu đến 2/3 hệ thống. Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, những năm trước, tình trạng hạn và xâm nhập mặn trong vụ lúa xuân thường căng thẳng từ tháng 2 đến tháng 4 năm sau, nhưng năm nay đến ngay từ tháng 11. Do tình hình nhiễm mặn nguồn nước sông Đa Độ từ đầu tháng 11 nên từ sáng 17 -11 đến 19-11, người dân một số khu vực của thành phố gồm các quận: Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã của các huyện An Dương, Kiến Thụy phải sử dụng nước sinh hoạt có vị lợ từ 2 nhà máy nước: Cầu Nguyệt và Hưng Đạo. Tình trạng nguồn nước thô bị nhiễm mặn đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước sinh hoạt cho dân sinh.
Cống đầu mối Trung Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão) giữ vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước hệ thống thủy lợi Đa Độ
Khẩn trương khắc phục
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bùi Thanh Tùng, để khắc phục tình trạng hạn và xâm nhập mặn đến sớm với nhiều bất thường, ngay sau khi kết thúc vụ mùa, Sở yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng thủy văn, trong đó cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.
Hiện, Sở Nông nghiệp đang tập trung kiểm tra, sửa chữa các công trình bị hư hỏng bảo đảm sẵn sàng phục vụ sản xuất, đặc biệt là các công trình như: cống Chanh Chử, cống Ba Đồng (hệ thống thủy lợi Vĩnh Bảo); cống Rỗ, cống Sông Mới, cống Giang Khẩu, cống Lâm Cao (hệ thống thủy lợi Tiên Lãng); cống Trung Trang, cống Cẩm Văn (hệ thống thủy lợi Đa Độ); cống Kim Sơn, cống Tỉnh Thủy (hệ thống thủy lợi An Hải); cống An Sơn 1, cống An Sơn 2, cống Phi Liệt (hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên).
Đồng thời, yêu cầu các công ty thủy lợi làm tốt việc khoanh vùng, thau rửa vệ sinh đồng ruộng kết hợp tích nước; điều tiết nước hợp lý, tránh gây mất nước cho hệ thống; thực hiện chiến dịch làm thủy lợi nội đồng và kế hoạch đổ ải đến các xã; tưới tiêu nước phù hợp, bảo đảm đủ nước tưới, đúng yêu cầu thời vụ. Tranh thủ các kỳ triều cường trước các đợt điều tiết nước bổ sung và các nguồn nước sẵn có khác để lấy nước sớm, tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Qua kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ quyết định từ giữa tháng 11, đóng hết các cửa cống bị xâm nhập mặn, chỉ lấy nước vào hệ thống sông Đa Độ qua cống đầu mối Trung Trang ở xã Bát Trang (huyện An Lão). Từ giữa tháng 11, khi độ mặn lên cao, công ty tăng cường thau đảo nước sông Đa Độ qua cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy). Nhờ đó, độ mặn trong nước sông Đa Độ đang giảm dần. Trong thời gian tới, công ty huy động 100% số lao động chốt trực, kiểm tra thường xuyên độ mặn tại cửa cống, thực hiện nghiêm quy trình vận hành lấy nước vào hệ thống. Để kiểm soát thường xuyên độ mặn của nước sông, công ty tổ chức đo kiểm tra độ mặn trong nước 1 giờ/1 lần. Cùng với đó, công ty thường xuyên duy tu bảo dưỡng máy móc, thiết bị các trạm bơm điện, cửa van điều tiết nước, máy đóng mở để bảo đảm vận hành ổn định.
Theo Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Thấm, cùng với việc thực hiện chỉ đạo của Sở NN-PTNT, phòng tham mưu với UBND huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng.
Hoài Thương (T/h)