Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành công văn hỏa tốc số 1781 về việc Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông trên địa bàn tỉnh nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.
>>>10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2018
Ảnh minh họa
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia vào hồi 07 giờ ngày 28/12/2018, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 128,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Phi-líp-pin khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 07 giờ ngày 29/12/2018, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 122,8 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ápthấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông. Đến 07 giờ 30/12/2018, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh độ
Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7(50- 60km/giờ), giật cấp 9, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 07 giờ ngày 31/12/2018, vị trí tâm bão ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, ngay phía Nam đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Cảnh báo gió mạnh trên biển: Từ ngày 29/12/2018, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; khu vực giữa Biển Đông từ khoảng đêm 29/12/2018 do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, thực hiện Công văn sô 635/TWPCTT-VP ngày 27/12/2018 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về việc tin áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh đề nghị các ngành và địa phương cần tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, thông tin kịp thời cho các ngành và địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát, đánh giá các công trình xung yếu ven biển, cửa sông, ven sông, kênh rạch và khu vực có nguy cơ ngập lụt, bị ảnh hưởng do áp thấp nhiệt đới, các lồng bè nuôi trồng thủy sản, kho tàng, nhà cửa không đảm bảo an toàn để triển khai ngay các phương án sơ tán, di dời. Có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, kiếm soát tàu thuyền ra khơi, giữ liên lạc và thông báo cho thuyền trưởng và các chủ các phương tiện biết đế chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp. Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có hướng xử lý, chỉ đạo kịp thời. Thông tin và hướng dẫn đến nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
Phối hợp các lực lượng trong công tác kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi thoát khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú tránh; hướng dẫn nhân dân việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền đã về bờ.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và vận động nhân dân thực hiện chằng chống nhà cửa, kho tàng. Các vùng ven biển chủ động rà soát, kiểm tra hệ thống bờ bao, đê bao để tránh mưa lớn, nước biển dâng bị ngập úng gây thiệt hại, nhất là ở các khu vực nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản. Có kế hoạch bảo vệ, phòng tránh ngập úng đối với sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 mới gieo sạ.
Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường các bản tin, thời lượng phát sóng, phát thanh, đưa tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân chủ động phòng, tránh để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các chỉ đạo nêu trên. Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số 731B Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, điện thoại: 0297. 3813315; fax: 0297.3813314; Email: pcttkg@gmail.com) tổng hợp, tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo kịp thời.
Trương Anh Sáng