Kiên Giang: Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Quang Huy|22/08/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Kiên Giang khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nhằm phát triển kinh tế biển, cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố trên cả nước có biển, với diện tích vùng biển 63.290km2, bờ biển dài 200km, hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, 43 đảo có người dân sinh sống, Phú Quốc là đảo lớn nhất, với diện tích 593km2.

Biển Kiên Giang là một trong những ngư trường có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản. Lĩnh vực kinh tế này ngày càng phát triển khá toàn diện, bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Kiên Giang phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Hiện nay, toàn tỉnh có 9.884 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 3.995 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của tỉnh đạt trên 600.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, việc phát triển đội tàu khai thác quá nhiều, nhất là tàu khai thác ven bờ, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá của ngư dân phải vươn xa ra các vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn, thậm chí là ra vùng biển nước ngoài đánh bắt. Những năm qua, tỉnh Kiên Giang có nhiều tàu cá vi phạm khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) mặc dù chính quyền đã nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn.

Nhằm khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế biển, nhất là liên quan đến lĩnh vực thủy, hải sản, tỉnh Kiên Giang đã triển thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030. Theo đó, tập trung khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản, trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.

Kiên Giang tập trung phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển triển kinh tế biển, nhằm triển khai thực hiện nội dung của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển diện tích mặt nước nuôi lồng là 7.000 ha, với 7.500 lồng, trong đó nuôi công nghệ cao 1.900 lồng. Sản lượng nuôi biển đạt 113.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng. Thu hút khoảng 18.500 lao động vào lĩnh vực nuôi biển.

Giai đoạn đến năm 2030, tăng diện tích mặt nước nuôi lồng lên 16.000 ha, đạt 14.000 lồng nuôi, trong đó nuôi công nghệ cao 6.600 lồng. Sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, giá trị sản xuất đạt 19.487 tỷ đồng. Thu hút khoảng 47.700 người vào lĩnh vực hoạt động nuôi biển.

Thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh tập trung xây dựng Kiên Giang trở thành địa phương biển mạnh, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, an ninh, an toàn. Kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước, trong đó tập trung phát triển kinh tế thủy sản theo hướng toàn diện, bền vững.

Ngoài ra, tỉnh triển khai chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản; công tác khoa học, công nghệ và khuyến ngư; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất; quản lý vật tư, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Quang Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.