Kiên Giang: Quyết tâm phòng chống dịch bệnh virus Corona hiệu quả

Trương Anh Sáng|04/02/2020 15:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 03/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đã ban hành Kế hoạch số 15 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (cấp tỉnh và cấp huyện), xây dựng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Riêng Ban Chỉ đạo cấp huyện cơ cấu thêm thành phần là Chủ tịch UBND cấp xã.

Ngành y tế rà soát đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác có năng lực chuyên môn phù hợp; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế,…sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch, thu dung, cách ly, điều trị người bệnh. Tổ chức khử trùng, tẩy độc các cơ sở y tế, trường học, chợ, bến xe, bến tàu…và những khu vực tập trung đông người.

Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch tại sân bay quốc tết Phú Quốc, chiều ngày 3-2.

Ngành lao động, thương binh và xã hội rà soát, nắm chắc số lượng lao động là công dân Việt Nam của tỉnh đang làm việc ở Trung Quốc, công dân Trung Quốc đang làm việc tại Kiên Giang. Tổ chức cách ly người lao động Trung Quốc trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết, theo dõi hết thời gian ủ bệnh 14 ngày mà không có biểu hiện bệnh mới được làm việc. Tổ chức khử trùng các cơ sở dạy nghề, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm cai nghiện ma túy, hạn chế khách đến thăm, cho học viên được nghỉ học tùy theo tình hình dịch.

Ngành du lịch rà soát, nắm chắc số lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc. Đối với du khách đã có đi qua vùng có dịch, tổ chức theo dõi sức khỏe, hạn chế đi lại trong thời gian 14 ngày kể từ ngày rời khỏi vùng dịch. Bộ đội Biên phòng phối hợp các địa phương có cửa khẩu biên giới (Hà Tiên, Giang Thành) kiểm soát chặt chẽ công dân các nước qua lại bằng đường mòn, lối mở.

Tăng cường hoạt động giám sát tại các cửa khẩu quốc tế. Tổ chức giám sát bằng hệ thống đo thân nhiệt từ xa đối với cửa khấu quốc tế Phú Quốc và Hà Tiên. Triển khai thực hiện áp dụng tờ khai y tế theo quy định của Bộ Y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu. Tổ chức cách ly đối với các trường hợp nghi ngờ, thông báo cho cơ quan y tế tiếp nhận, thực hiện các quy trình chuyên môn để xác định tình trạng bệnh.

Tiến hành tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch, điều trị, chăm sóc người bệnh. Cử cán bộ y tế đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh học tập kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR để triến khai thực hiện ở địa phương. Tổ chức tiếp nhận, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, không để lây nhiễm cho người bệnh khác và nhân viên y tế. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đúng cách, bảo quản, vận chuyển mẫu đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm.

Thiết lập các đội cơ động đáp ứng nhanh phòng, chống dịch ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện. Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin về tình hình dịch, bệnh trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố và cửa khẩu, tập trung các địa bàn trọng điểm gồm Hà Tiên và Phú Quốc; công tác chuẩn bị thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch bệnh trên thế giới, các nước trong khu vực, các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, tỉnh Kiên Giang. Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp. Báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan trung ương. Các sở, ban, ngành tỉnh thường xuyên cập nhật sự chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh để tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ.

Xây dựng các tình huống giả định ở các cấp độ 1 (có trường hợp bệnh xâm nhập), cấp độ 2 (dịch có lây nhiễm thứ phát trong tỉnh), cấp độ 3 (dịch lây lan trên 20 trường hợp mắc trong tỉnh) và cấp độ 4 (dịch lây lan rộng trong dân cư) nhằm phối hợp, chuẩn bị trước các biện pháp đáp ứng chủ động, phù hợp, hiệu quả.

Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng, đề nghị các ngành, địa phương không được chủ quan trong phòng, chống dịch nCoV.

Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly người bệnh đã được xác định nhiễm vi rút Corona, kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm cho người bệnh khác và nhân viên y tế. Theo dõi chặt chẽ diễn tiến từng trường hợp bệnh, chủ động điều trị sớm theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh.

Kích hoạt đội phản ứng nhanh, tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở y tế ở tuyến dưới thực hiện tốt việc cách ly, điều trị, chăm sóc tại chỗ. Hạn chế tối đa vận chuyển người bệnh lên tuyến trên, chỉ được chuyển những trường hợp bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị. Triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng. Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng.

Tăng cường hoạt động giám sát tại các cửa khẩu quốc tế, các bến tàu, bến xe nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, nhất là các trường hợp đã có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày. Kiểm tra chặt chẽ việc qua lại của công dân theo đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới.

Tăng cường công tác truyền thông, trấn an người dân. Cập nhật bổ sung các tài liệu truyền thông, các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất để cung cấp thông tin và định hướng đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến tình hình dịch bệnh.

Thường xuyên kiểm tra công tác triển khai phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố và cửa khấu, tập trung các địa bàn đã có xảy ra các trường hợp bệnh. Tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ y tế để bổ sung nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch, điều trị, chăm sóc người bệnh. Thường xuyên cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, chấn đoán, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với tình hình.

Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức họp hàng tuần và họp đột xuất khi có yêu cầu để kịp thời chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng diễn biến tình hình dịch, bệnh. Dự báo tình hình dịch để bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng. Thường xuyên báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan trung ương.

Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng

Giáo viên Trường Đinh Bộ Lĩnh vệ sinh lớp học phòng, chống dịch nCoV

Huy động toàn thể hệ thống chính trị của tỉnh quyết liệt tham gia phòng chống dịch bệnh. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tập trung sử dụng, huy động mọi nguồn lực có thể để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu về thuốc hoá chất, vật tư, trang thiết bị … nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan, số người mắc và tử vong do dịch bệnh.

Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến xã. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, lực lượng vũ trang tham gia chống dịch. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.

Duy trì việc giám sát tại cửa khấu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh. Tăng cường giám sát tại các bến tàu, bến xe để phát hiện sớm các trường hợp bệnh từ địa phương khác, đồng thời giảm nguy cơ lan truyền dịch sang địa phương khác.

Lấy cơ sở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và Bệnh viện Tâm thần tỉnh để thu dung, cách ly người bệnh. Các huyện, thành phố chủ động mở rộng khả năng thu dung, điều trị người bệnh. Thành lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các nhà mạng điện thoại di động, mạng xã hội để người dân hiểu, không hoang mang, hoảng loạn và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống.

Đăng tải ban bố tình trạng khấn cấp (nếu có); khuyến cáo không tập trung đông người, không tiếp xúc với người bệnh. Theo dõi và quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.

Thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình lên các cơ quan trung ương; tiếp nhận sự trợ giúp từ các đội phản ứng nhanh của tuyến trên và lực lượng y tế hỗ trợ từ các tỉnh. Tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị từ các nguồn hợp pháp theo quy định.

Tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của các địa phương để chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch, thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh. Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức họp hằng ngày hoặc đột xuất để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch các tuyến trên địa bàn toàn tỉnh. Dự báo tình hình dịch để bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triến khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Quyết tâm phòng chống dịch bệnh virus Corona hiệu quả
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.