Kiên Giang: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

Quốc Tuấn|02/07/2018 03:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế của tỉnh Kiên Giang đạt mức tăng trưởng khá cao với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRP) ước đạt 28.247,6 tỷ đồng; tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Mô hình trồng lúa năng suất cao

Theo đó, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đạt cao so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 như thương mại, dịch vụ, đầu tư, xây dựng, kim ngạch xuất khẩu, du lịch, thu ngân sách… có thêm 9 xã được công nhận nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 49 xã.

Bên cạnh đó, các dự án giao thông trọng điểm được triển khai: Công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 963B (đoạn Bến Nhứt –Giồng Riềng); đường 3-2 nối dài (đường bộ ven biển thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành); quy hoạch các cảng Vịnh Đầm, cảng hành khách Hà Tiên, cảng Rạch Giá. Giao thông nông thôn ước đạt 177,6 km; đạt 46,5% kế hoạch. Thực hiện quy chế làm việc, chủ tịch, các phó chủ tịch tỉnh tổ chức làm việc về kinh tế – xã hội, kết hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 12/15 huyện, thị xã, thành phố.

Theo ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh  yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2018, ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cải thiện thu nhập cho người dân. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng cường dự báo thị trường, nghiên cứu thực hiện 3 chiến lược cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp: chiến lược về chi phí sản xuất thấp, chiến lược về nâng cao chất lượng nông sản và chiến lược về khác biệt hóa sản phẩm để làm chủ về giá cả nông sản trên thị trường.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm tăng diện tích, sản lượng tôm nuôi; tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất nuôi tôm công nghiệp.

“Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những tháng cuối năm 2018 là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Do đó, các ngành, địa phương tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình. Đồng thời tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; tăng cường chống buôn lậu qua biên giới; Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh bất động sản tại Phú Quốc, kịp thời chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, mua bán bất động sản không đúng quy định”, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Quốc Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững