Kiên Giang: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn

Quốc Tuấn|13/08/2018 03:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tiếp bị ảnh hưởng do bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc, sét đã làm sập 202 căn nhà, tốc mái 321 căn, chết 2 người (do sét đánh và điện giật do cây đổ ngã), bị thương 7 người (do sét đánh và sập nhà), cao hơn nhiều so với năm trước.

Hỗ trợ tiền cho người dân bị sập nhà do mưa giông tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang vừa ban hành văn bản số 1051, ngày 10/8/2018 về việc “tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn từ nay đến cuối năm 2018”.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc ngành phối hợp tốt với các địa phương để triển khai công tác bảo vệ sản xuất; vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây; thực hiện tốt phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Chủ động triển khai phương án phòng, chống lũ cho sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông 2018, nhất là ở khu vực tập trung thoát lũ thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, những vùng đê bao xung yếu, chưa đảm bảo. Phối hợp các địa phương trong vùng lũ đánh giá khả năng đảm bảo an toàn cho các tuyến bờ bao; triển khai sớm việc tu bổ, gia cố bờ bao bảo đảm bảo vệ an toàn cho sản xuất, đề phòng lũ lớn và chuẩn bị huy động nguồn lực để ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục; xây dựng phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình hồ chứa nước Dương Đông (huyện Phú Quốc) trong tháng 8/2018. Phối hợp các đơn vị liên quan, UBND huyện Kiên Lương thực hiện việc bố trí sắp xếp, di dới 202 hộ dân sinh sống ở khu vực sạt lở núi Ba Hòn vào dự án, trước mắt tập trung di dời 34 hộ khẩn cấp trong 11 hộ của giai đoạn 1.

UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, sát với tình hình thực tế của địa phương. Cùng với đó, khẩn trương triển khai việc rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao có nguy cơ ngập lũ; đồng thời, đánh giá khả năng chống lũ của từng tuyến bờ bao. Mức đảm bao an toàn tương ứng với mức lũ tại Châu Đốc là 3,5m (mức báo động 2): Vùng tứ giác Long Xuyên: Giang Thành, Kiên Lương 1,8m, Hòn Đất 1,6m, Rạch Giá 1,2m; vùng Tây Sông Hậu: Tân Hiệp 1,3m, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao 1,2m. Qua kiểm tra khẩn trương triển khai gia cố các bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa, lũ nhằm đảm bảo an toàn sản xuất.

Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra. Tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa; chặt tỉa cành cây gần nhà và ven đường có khả năng đổ ngã, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Quốc Tuấn

Bài liên quan
  • Kiên Giang: Hơn 370ha rừng bị cháy
    Liên quan vụ cháy rừng ở xã Vĩnh Phú (huyện Giang Thành, Kiên Giang), UBND tỉnh Kiên Giang đã thống kê có hơn 370ha rừng bị cháy. Trong đó, có khoảng 71ha rừng phòng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn