Xác định “đầu nậu” tổ chức truy quét, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của chủ rừng, các đơn vị có liên quan thiếu trách nhiệm, để xảy phá rừng, lấn chiếm rừng, cháy rừng nghiêm trọng. Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát kiểm tra các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng đã có chủ trương của cấp thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh định hướng các tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật. Khẩn trương đo đạc, thống kê hiện trạng, vị trí đất rừng không quy hoạch lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý cụ thể rõ ràng trách nhiệm giữa bên giao, nhận.
Rà soát trong quy hoạch lâm nghiệp có đất hợp pháp của dân thống kê lập phương án trình UBND tỉnh xem xét quyết định nhằm đảm bảo quyền lợi của dân về sử dụng đất và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả bền vững và không bị chồng lấn quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời kiên quyết xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; thực hiện có hiệu quả về truy xuất nguồn gốc gỗ, lâm sản hợp pháp; chỉ đạo sắp xếp kiện toàn tổ chức các cơ quan theo Luật lâm nghiệp đảm bảo đủ lực lượng để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng, nhất là cao điểm mùa khô, có biện pháp điều chỉnh phù hợp theo tình hình thực tế địa phương đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện, theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về Luật lâm nghiệp, công tác PCCC rừng. Tổ chức cảnh báo cấp cháy rừng từng vùng để các ngành, địa phương, chủ rừng và người dân biết thực hiện; áp dụng các biện pháp lâm sinh làm giảm vật liệu cháy, sử dụng lửa; trữ nước trong rừng, gia cố sửa chữa các công trình, phương giện, thiết bị PCCC rừng đảm bảo vận hành tốt để phục vụ công tác PCCC rừng. Xây dựng kế hoạch phối hợp đảm bảo lực lượng, phương tiện, trực 24/24 giờ, chấp hành theo lệnh huy động của cấp có thẩm quyền tham gia bảo vệ và PCCC rừng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng.
Về phát triển rừng, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch trồng trên diện tích 1.276,3 ha, gồm rừng đặc dụng và phòng hộ: 803,3 ha, rừng sản xuất 360 ha, trồng rừng thay thế 113 ha; khoán bảo vệ rừng 8.604,5 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đặc dụng chuyển tiếp 609,3 ha; chăm sóc 3.285,5 ha; trồng hàng trăm ngàn cây phân tán…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Mai Anh Nhịn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ rừng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh triển khai Luật lâm nghiệp rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong xã hội một cách hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 8/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; các chỉ thị cùng một số văn bản khác của Trung ương, tỉnh về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Quốc Tuấn