Kinh hoàng với số liệu phát thải sinh ra từ hoạt động đốt rơm rạ

Hoàng Anh|17/06/2021 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020 tại Hà Nội, tổng lượng bụi thải do hoạt động đốt rơm rạ ở các huyện là gần 350 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Gia tăng ô nhiễm môi trường không khí

Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội kết hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vừa công bố kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng”, thuộc Dự án “Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn TP.Hà Nội”.

PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong vụ Đông Xuân năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn TP.Hà Nội là 67.493 ha, chiếm khoảng 20% diện tích canh tác lúa (được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô). Tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn.

Đốt rơm rạ phát sinh ra CO2 và PM2.5 khiến chất lượng không khí ở Hà Nội xuống thấp

Trong đó, tỉ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trung bình là 20%, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch. Các quận, huyện có tỉ lệ đốt rơm rạ cao từ 35-60% là: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất và Chương Mỹ.

Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các số liệu về phát thải, kết hợp cùng các dữ liệu về khí tượng (nhiệt độ, lượng mây, hướng gió, tốc độ gió) cho thấy, vùng ô nhiễm chính nằm ở phía Nam Hà Nội là thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng cho biết, đốt rơm rạ là hoạt động diễn ra hằng năm, lặp đi lặp lại của nông dân khu vực nông thôn, trở thành nguyên nhân không nhỏ gây ra tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Khó trong việc xử lý triệt để đốt rơm rạ

Đại diện Live & Learn nói rằng, thực hiện Chỉ thị số 15 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường các biện pháp đối với hoạt động đốt rơm rạ, từ tháng 5/2020, đơn vị này phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thực hiện các hoạt động hỗ trợ và đồng hành với các bên trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó có việc thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện giải pháp kỹ thuật hạn chế đốt rơm rạ.

Hoạt động đốt rơm rạ vẫn còn tái diễn ở các huyện ngoại thành Hà Nội.

Nhờ đó, vụ Đông Xuân 2021, ít nhất 6 huyện (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000 ha đồng ruộng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt. Từ đây, nhiều mô hình nhỏ, sáng kiến địa phương đã được khuyến khích triển khai như Hội phụ nữ Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, Hội Nông dân Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học, nông dân Ba Vì thu rơm, phay rơm làm thức ăn cho gia súc, Hội Phụ nữ Đông Anh dùng rơm làm mái nhà giáo xứ, mô hình thu rơm hỗ trợ nuôi ao cá tại Mỹ Đức.

Đại diện Live&Learn cho rằng, nếu toàn hệ thống chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội môi trường và người dân các quận, huyện, phường, xã cùng chung tay thực hiện các giải pháp thì có thể đưa Chỉ thị 15 vào đời sống, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ.

Trước thực trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm, Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Hoàng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kinh hoàng với số liệu phát thải sinh ra từ hoạt động đốt rơm rạ