Gần đây, nhiều người dân sau khi thu hoạch lúa đã tiến hành đốt bỏ rơm rạ. Thói quen này đã gây ra cảnh khói mù đặc, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông trên đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận huyện Quốc Oai, Đan Phượng.
Khói bốc mù mịt khắp cánh đồng, điểm những đống lửa đỏ rực. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí nhiều nơi ở Hà Nội liên tục ở ngưỡng xấu vào thời điểm chiều tối.
Rơm rạ càng tươi khi cháy sản sinh ra càng nhiều khói bụi hơn.
Theo các chuyên gia môi trường, việc đốt rơm rạ ngoài trời đã phát thải các chất khí bụi CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết còn có thể tạo ra aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc người dân đốt rơm rạ đã diễn ra từ rất lâu. Dù đã có những biện pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân không đốt rơm rạ, vẫn còn những lý do khó giải quyết khiến người dân buộc phải đốt rơm mỗi khi vào mùa thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, những ngày gần đây, tại địa bàn huyện Quốc Oai, cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa, tận dụng luôn vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông.
Trong những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh bà con đốt rơm rạ ngay trên các cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội.
Việc đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa – một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao.
Khi đốt rơm rạ các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ nên tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Một thửa ruộng nếu bị nung đốt nhiều lần sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng.
Minh Anh