Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 10 tháng năm 2022 tăng trưởng khá

Nguyên Lâm|02/11/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng tích cực trong 10 tháng năm 2022 với các chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu ngân sách ở mức cao.

Ngày 1/11, UBND TPHCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 11 năm 2022.

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM trong 10 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng GDP trong 10 tháng đầu năm của Thành phố đạt mức 9,97%. Ông nhận định, khả năng tăng trưởng năm 2022 của TP.HCM sẽ cao hơn kế hoạch đề ra, dự báo sẽ đạt khoảng 9,44%.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt gần 393.000 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ. Thu ngân sách năm nay dự kiến vượt so kế hoạch năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố, nhưng cũng là áp lực để TP.HCM thực hiện kế hoạch thu năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế quý 4 đang chững lại và sụt giảm ở một số mặt, dự báo nhiều khó khăn cho năm 2023. "Chúng ta vui mừng kết quả nhưng cũng phải nhận thấy và dự báo những khó khăn để đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP) cũng đang ở mức khá, với 17,4%. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn còn gặp một số khó khăn như may mặc, ngành gỗ, da giầy…

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận, mặc dù đạt được nhiều thành quả, tuy nhiên, trong tháng 10 vừa qua, TP.HCM cũng xuất hiện nhiều mặt bất lợi, tác động tiêu cực. Đặc biệt là sự việc tại Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Tác động trực tiếp đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản.

Bên cạnh đó, tình huống về cung ứng xăng dầu cũng đã tạo ra tâm lý thiếu tin tưởng và cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như tình hình kinh tế xã hội của Thành phố. Ngoài ra, xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí sản xuất cao của thế giới cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế của Thành phố.

xuat-nhap-khau.jpg
Kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng ổn định

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại TP.HCM chỉ mới giải ngân được khoảng 27% chỉ tiêu của năm. Ông đánh giá, đây là tỷ lệ rất thấp so với con số chung của cả nước là gần 50%.

Từ những thực tế trên, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu ra 5 nhóm giải pháp chính cho phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM trong những tháng còn lại của năm 2022, cụ thể:

Thứ nhất, từng sở ngành, quận huyện rà soát lại chỉ tiêu kế hoạch của năm để hoàn tất. tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn nhằm khơi thông sức lực, phát huy kinh tế nội địa của Thành phố.

Thứ hai, rà soát lại 51 đề án, điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công, phân bổ lại nguồn lực cho năm 2023. Điều chỉnh trung hạn đầu tư công, bố trí các dự án trọng điểm trong kế hoạch năm 2023.

Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp về giải ngân đầu tư công, xác định vướng mắc của từng dự án để lên kế hoạch giải quyết. Đi liền với giải ngân đầu tư công gắn với việc đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội; hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài sản công và hoàn thiện kế hoạch đấu thầu, đấu giá một số nhà đất. Rà soát lại nhà đất tại Thủ Thiêm và các nơi khác để khai thác có hiệu quả.

Thứ tư, tập trung mạnh hơn nữa về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, tinh thần trách nhiệm của các sở ngành, các địa phương trong việc thực hiện chủ đề năm. Các sở ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp trong cải cách thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ theo tinh thần trọng tâm trọng điểm các dự án bất động sản, các vướng mắc về quy hoạch…

Thứ năm, tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đối với ngành may mặc, gỗ, da giày cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là Du lịch. Hoàn thành đề án sắp xếp các Khu chế xuất, khu công nghiệp, nhằm chuyển đổi công năng một số khu công nghiệp. Tiếp tục triển khai đề án logistics. Hoàn thiện tiếp thu góp ý đề án Trung tâm tài chính quốc tế để báo cáo Chính phủ để hoàn thiện triển khai trong thời gian tới. Tiếp tục theo dõi và xử lý những vấn đề liên quan đến xăng dầu; triển khai chương trình bình ổn giá; hoàn thành quy hoạch chung TP Thủ Đức.

Ngoài ra, trước nhiều vụ việc xảy ra ở các nước gây thiệt hại nặng nề về người như thảm họa giẫm đạp tại Itaewon (Hàn Quốc), sập cầu treo tại Ấn Độ…, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý các sự kiện đông người. Ông Mãi yêu cầu tháng 11 này phải hoàn thiện để chuẩn bị các hoạt động vui chơi dịp cuối năm.

Đồng thời, các ngành phải đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội, đặc biệt là phòng cháy chữa cháy.

Bài liên quan
  • Gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế
    Ước tính 10 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, giá gạo Việt Nam hiện cao hơn gạo Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 10 tháng năm 2022 tăng trưởng khá
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.