Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có gần 170 hộ dân. Đa số những hộ dân này thuộc diện tái định cư dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Do địa hình đồi núi mặt bằng khó khăn, hầu hết nhà dân ở đây được xây dựng khá chênh vênh và nếu quan sát từ trên cao thấy rõ sự nguy hiểm. Cùng với nguy cơ sạt lở khi mùa mưa đang đến gần, những ngày gần đây việc liên tục xuất hiện những trận động đất và rung chấn khiến người dân phấp phỏng không yên.
Lo lắng cho sự an toàn của gia đình, bản thân kéo dài từ ruộng rẫy và vào cả trong giấc ngủ của hầu hết người dân nơi đây. Chị Y Xuân và Y Thát, người dân thôn Đăk Tăng cho biết: “Đi trong rừng vẫn thấy cái cây rung rung hết mà. Cũng sợ. Nhà nào cũng sợ hết. Sợ nhà sập mà”; “Sợ nhất là lúc đêm. Mình không biết đi đâu với lại sợ nhất là trên ngói nó rớt xuống”.
Gần 13h ngày 18/4, chị Y Long (29 tuổi) cùng chồng ngồi ăn cơm trong căn nhà sàn ở thôn Đăk Tăng, nghe tiếng động lớn vang lên, sau đó mọi thứ trong nhà rung lắc, bát dĩa, nồi cơm dịch chuyển. Cả hai vợ chồng thả vội bát cơm chạy khỏi nhà, ra bãi đất trống phía trước. Khoảng 20 giây sau, mọi thứ bình yên trở lại, vợ chồng người Xê Đăng mới vào lại nhà. Người chồng don dẹp mâm cơm vương vãi khắp sàn và đồ đạc trên bàn rơi xuống.
Cách nhà chị Long khoảng 500 m, bà Y Xuân (49 tuổi) cho biết trước đây gia đình nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của lòng hồ thủy điện thượng Kon Tum. Năm 2016 gia đình bà chuyển lên khu tái định cư Đăk Tăng. Những tưởng được ổn định cuộc sống, nhưng khoảng một năm trở lại đây bà bắt đẩu cảm nhận sự rung lắc do động đất. Nền nhà xuất hiện vết nứt dài hơn một mét.
Người dân đồng bào Xê Đăng trong khu tái định cư làng Đăk Tăng.
Sau khi xảy ra trận động đất lớn nhất trong chuỗi các trận động đất 4,5 độ richter vào ngày 18/4, hàng nghìn hộ dân ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã rất lo lắng. Càng lo lắng hơn khi Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra nhận định, trên địa bàn huyện còn có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất mới, cường độ có thể mạnh hơn. Trong khi đó trên địa bàn huyện hiện có nhiều công trình thủy điện lớn, như: Thượng Kon Tum, công suất 220MW, dung tích hồ chứa trên 145 triệu m3 nước; thủy điện Đăk Đrinh, công suất 125MW, dung tích hồ chứa trên 240 triệu m3 nước… và nhiều công trình xây dựng dân dụng khả năng chống chọi với động đất, rung chấn không phải là yếu tố được ưu tiên hàng đầu khi xây dựng.
Anh Hồ Hoàng Minh Thắng, nhà ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, lo sợ không biết nhà có bị sập hay không hay là trốn ở đâu vì mọi người ở trong phố đa phần là nhà xây. Rồi dư chấn liên tục như vậy thì một số nhà xảy ra tình trạng nứt.
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND Kon Tum, với tần suất động đất ở địa bàn ngày càng dày đặc, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát tình hình để có hướng xử lý kịp thời.
Hôm qua, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó các tình huống có thể xảy ra do động đất ở tỉnh Kon Tum. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, việc tích nước của các hồ chứa thủy điện đều liên quan động đất. Đánh giá sơ bộ của viện, các đợt động đất vừa qua xảy ra sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước.
Theo ông Anh, trong năm 2020 trên địa bàn huyện Kon Plong, Kon Tum xảy ra hơn 33 trận động đất. Nhưng từ tháng 4/2021 đến nay, số vụ động đất tăng rất nhiều với 169 vụ (từ 2,5 độ trở lên). Riêng 4 ngày qua, viện ghi nhận hơn 20 trận, trong đó có hai trận cường độ 4,1 và 4,5 độ – lớn nhất trong lịch sử động đất ở khu vực này từ trước đến nay.
“Như vậy, tần suất và độ lớn các trận động đất đã gia tăng. Việc này phải tiếp tục quan sát, theo dõi các hệ thống đứt gãy”, ông Anh nói và cho biết động đất ở khu vực huyện Kon Plong cần được nghiên cứu chi tiết, vì từ trước đến nay, những đứt gãy ở đây chưa được đánh giá.
Giang Anh