Kon Tum: Nguy cơ ô nhiễm tại các điểm giao nhận mủ ở các công ty cao su
Thực trạng các điểm giao - nhận mủ của một số công ty cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn tồn đọng vấn đề liên quan đến môi trường. Đây chính là thách thức để ngành cao su thay đổi thói quen cũ, tiếp thu những tiên tiến mới trong việc xử lý cặn, thừa do mủ để lại, góp phần bảo vệ môi trường xanh.
Bảo vệ môi trường luôn là vấn đề nóng bỏng được quan tâm hàng đầu nhất là trong bối cảnh chất lượng môi trường bị suy thoái nghiêm trọng bởi tác động của con người. Chính vì vậy, đối với các hành vi xả nước thải sinh hoạt ra môi trường, người vi phạm sẽ đối mặt với các mức xử phạt hành chính và các hình thức xử phạt bổ sung tùy vào mức độ vi phạm.
Trước đó, các điểm giao nhận mủ trên các vườn cao su thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum, sau khi công nhân trút mủ và vệ sinh tại các lán thì có xảy ra tình trạng nước rửa tràn ra ngoài khu vực; một số nơi, nước vệ sinh chảy theo những con lạch, suối nhỏ, ngầm gây nên những hiểm họa về ô nhiễm môi trường.
Khi nhắc đến vấn đề môi trường liên quan đến lĩnh vực cao su, hầu hết các cơ quan ban ngành đều tập trung vào các nhà máy chế biến và sản xuất mủ, mà dường như 'lãng quên' đi các điểm giao nhận mủ cũng cần phải được đảm bảo về môi trường. Đặc tính của các điểm giao nhân mủ cao su là thường ở bên ngoài các nhà máy; không có người giám sát, hướng dẫn quy trình trút và rửa sau khi thu gom serum; trong - ngoài các tiểu điền, gần các kênh, rạch,… Nên nếu không được đầu tư đầy đủ vật chất để phục vụ cho việc vệ sinh dụng cụ chứa mủ thì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đất và nước. Ở một số nơi, điểm giao nhận mủ gần các con mương, nước vệ sinh dụng cụ chứa mủ theo đó mà chảy ra các con suối nhỏ, nổi bọt trắng xóa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng có nhiều điểm thu gom mủ cao su tự phát, không nằm trong quy hoạch cụ thể. Ô nhiễm môi trường tại các điểm tự phát hiện đang là vấn đề khó xử. Các điểm thu gom này không có các bộ phận xử lý nước thải sau quá trình thu gom serum; một số lại nằm gần khu vực dân cư sinh sống gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là điều không tránh khỏi. Thực tế, nhiều điểm thu mua thậm chí còn chưa có cam kết bảo vệ môi trường.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc quản lý nước thải phải đảm bảo yêu cầu chung về môi trường. Bên cạnh đó, tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP cũng có Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tại các Điều 18, 19 thể hiện cụ thể hình thức xử phạt vi phạm các quy định về xả nước thải dựa theo thông số ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có một số Công ty cao su như: Công ty cao su An Phú Thịnh; Công ty cao su Chư Mom Ray; Công ty cao su VRG Sa Thầy;…
Nắm bắt thực tế, PV đã liên hệ làm việc với Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum – một trong những cơ sở hoạt động về ngành cao su trên địa bàn để có thể hiểu hơn về vấn đề trên.
Ông Ngô Văn Mân – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum cho biết: Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có tổng số 72 điểm giao nhận mủ nằm trong khu vực vườn cây công ty quản lý, ngoài ra còn một số điểm thu gom tạm thời tại các vườn cây mà Công ty chuẩn bị thanh lý. Các điểm giao nhận mủ đều được Công ty đầu tư Lán nhập mủ, bể chứa mủ nước (trừ các điểm thu gom tạm thời), giàn để mủ tạp, đông, hố (hoặc thùng) để thu gom serum mủ đông và nước rửa dụng cụ chứa mủ, giếng nước vệ sinh dụng cụ, khu chứa rác thải sinh hoạt. Công ty không tổ chức các điểm thu mua mủ ngoài tiểu điền của dân, mà chỉ có 72 điểm giao nhận mủ của Công ty khai thác và đều nằm trong khu vực vườn cây mà Công ty đang quản lý.
Tuy nhiên, để chia sẻ thêm về trường hợp nói trên, ông Mân cho biết: Hiện tại, Công ty quản lý theo 3 mô hình, các mô hình nhìn chung hoạt động ổn, vấn đề về môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Riêng đối với mô hình khoán, thì sẽ phụ thuộc vào ý thức của người dân. Có một số gia đình, trong nhà chỉ có một người đi làm ở các điểm giao nhận mủ, tuy nhiên hôm nay cá nhân đó có việc đột xuất không thể đi được, thì người nhà đi thay, sẽ không tránh khỏi một số trường hợp không nắm được quy trình sau giao nhận mủ, dẫn đến hành vi ẩu trong việc tráng rửa, thu gom…
Được biết, riêng đối với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, đây là môi trường mang lại công ăn việc làm cho các lao động địa phương, trong đó hơn 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, ý thức của người lao động tại các điểm thu gom cũng là yếu tố then chốt góp phần cải thiện và gìn giữ môi trường dù là trong hay ngoài các tiểu điền.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum không phủ nhận thực trạng môi trường xảy ra ở các điểm giao nhận mủ nhưng đảm bảo trong các tiểu điền thuộc Công ty quản lý thì không để xảy ra tình trạng trên.
Đối với vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất các dự án của các công ty hoạt động trong lĩnh vực cao su. Bà Đường Thị Hồng Luân – Phó Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh cho biết: Đối với các điểm thu gom nhỏ lẻ mủ cao su thì Sở đã giao về cho cấp dưới kiểm tra theo Văn bản số 2894/STNMT-MT ngày 02/10/2023 về việc “tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở thu mua, nhà máy chế biến, chủ phương tiện vận chuyển mủ cao su trên địa bàn”. Tại đây, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các cơ sở thu mua, nhà máy chế biến, chủ phương tiện vận chuyển mủ cao su trên địa bàn các huyện, thành phố. Từ đó, phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có các yếu tố vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bài 2: Xe chở mủ cao su gây ô nhiễm môi trường.