Kỷ niệm 49 năm chiến thắng 30/4: Trang sử hào hùng của dân tộc

Minh Châu|30/04/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.

Dấu mốc lịch sử

Cách đây 49 năm, vào ngày 30/4/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn, non sông nối liền một dải.

giai-phong.jpg
Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30. Ảnh Tư Liệu

Đại thắng mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đỉnh cao của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến thắng vĩ đại của lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để có được hòa bình, độc lập ấy, biết bao thế hệ người Việt Nam đã xếp bút nghiên lên đường ra trận. Dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh, nhưng buộc phải cầm súng. Chịu nhiều mất mát đau thương nên người Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay được đổi bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ người Việt Nam.

giai-phong-1.jpg
Người dân vây quanh Quân Giải phóng

Trong cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, Hà Nội vừa là thành trì vững chắc của hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa trực tiếp đương đầu với kẻ thù xâm lược. Khí phách Thăng Long ngời sáng, Hà Nội trở thành Thủ đô của lương tri, phẩm giá của con người. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, "rồng lửa Thăng Long" đã quật nhào pháo đài bay Mỹ, làm nên "Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, tạo ra bước ngoặt lớn, mở ra cục diện mới trên chiến trường để quân và dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. 

Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Đảng đã lãnh đạo xây dựng, đưa Việt Nam vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh.

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là năm 2023, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên Hợp Quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có thể tự hào rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

doi-moi-dat-nuoc.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023). Ảnh: TTXVN

Từ những thành quả vĩ đại của cách mạng, của chiến thắng 30/4, ngày nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua phát triển kinh tế, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; từng bước nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 01/5 và 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha anh đi trước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tích cực phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Bài liên quan
  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hiệp định Geneve không chỉ là mốc son lịch sử mà còn mang ý nghĩa thời đại
    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định việc ký kết Hiệp định Geneve không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Bởi đây là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 49 năm chiến thắng 30/4: Trang sử hào hùng của dân tộc