Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025): Trận quyết chiến "chấn động địa cầu"
Với 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có giá trị lịch sử sâu sắc, ghi dấu thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng, mà còn mang tầm vóc thời đại to lớn, là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu; cổ vũ và góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội của nhân loại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, tạo ra thế mạnh của ta trên bàn đàm phán, đẩy Pháp vào thế bất lợi. Chiến thắng này đã tạo cơ sở căn bản đưa đến thành công của hội nghị Genève. Ngày 21/7/1954, Pháp và các nước tham gia hội nghị đã ký Hiệp định Genève đình chiến, lập lại hòa bình cho 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo hiệp định, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương, thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việt Nam sẽ thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế.

Đánh giá về tác động to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với việc đàm phán và ký Hiệp định Genève, PGS.TS C.Lentz (người Mỹ) đã nhấn mạnh: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. QĐND Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17”.
Với thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, trực tiếp là trận “tổng giao chiến” ở Điện Biên Phủ, Kế hoạch Nava bị phá sản thảm hại, buộc thực dân Pháp phải kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương kéo dài trong gần 9 năm. Chính sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang sử mới cho nhân loại, góp phần thay đổi cục diện thế giới.
Trên phương diện quốc tế, chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất lớn và đã đi vào lịch sử nhân loại, vì đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đế quốc Mỹ trong một chiến dịch quân sự lớn. Kết cục chiến dịch này được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại âm mưu duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương của Pháp và buộc Pháp phải đàm phán, ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với ý chí quyết chiến, quyết thắng, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, chiến công này khẳng định chủ trương chiến lược và sự chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng tạo trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là nhân dân và LLVT cách mạng Lào, Campuchia đã cùng Việt Nam chung sức, chung lòng, đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau chiến đấu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam. Từ 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, gậy tầm vông, giáo mác, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ, đùm bọc của Nhân dân, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của QĐND Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần 2 tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ và trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng, đồng sức chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Chiến thắng này thêm sáng ngời chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, quân đội còn non trẻ nhưng biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, biết vũ trang toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, được bạn bè và nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ, ắt giành thắng lợi.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mà còn chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam, Lào, Campuchia; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho Nhân dân. Mốc lịch sử này đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao… cho cách mạng Việt Nam và mở đầu một thời kỳ mới: Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, quá độ tiến lên CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trên bình diện quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thức tỉnh và cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Gần 2 thập kỷ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng loạt các nước ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ - Latinh đã lần lượt giành được độc lập với hình thức và mức độ khác nhau; phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, với niềm tin được cổ vũ mạnh mẽ bởi chiến thắng này, các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960, đã có 17 nước châu Phi giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ.
Bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị
71 năm đã trôi qua nhưng những bài học lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mang tính thời sự, tiếp tục được vận dụng và phát triển trong tình hình mới.
Trước hết, đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thách thức đan xen cả truyền thống lẫn phi truyền thống - từ các mưu đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo, không gian mạng, cho đến tác động của các chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng trở nên cấp thiết.
Thứ hai, bài học về tư duy độc lập, sáng tạo, dám quyết, dám chịu trách nhiệm từ Điện Biên Phủ vẫn là kim chỉ nam cho cán bộ, chiến sĩ trong mọi lĩnh vực công tác. Trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, cán bộ các cấp cần phải bản lĩnh, linh hoạt, có khả năng phân tích, nhận diện đúng đắn tình hình, không chủ quan cũng không bi quan, để từ đó đưa ra những quyết sách đúng lúc, đúng tầm.
.png)
Thứ ba, bài học về củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, về sự gắn bó máu thịt giữa Đảng - Quân đội - nhân dân chính là yếu tố quyết định sự ổn định chính trị và phát triển đất nước. Chỉ khi nào người dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, lúc ấy mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không thể tồn tại. Do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là trong thế hệ trẻ, là nhiệm vụ lâu dài và cấp thiết.
Cuối cùng, tinh thần “tự lực, tự cường” từ Điện Biên Phủ cần được phát huy mạnh mẽ trong thời đại hội nhập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế nhưng đồng thời phải không phụ thuộc, không đánh mất bản sắc, chủ động hội nhập có chọn lọc. Đó cũng chính là cách để giữ gìn độc lập, chủ quyền, phát triển đất nước bền vững…
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ làm nên thời khắc lịch sử hào hùng, mà còn để lại cho hôm nay những bài học sâu sắc về tổ chức lực lượng, về niềm tin chiến thắng, và đặc biệt là về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, "tinh thần Điện Biên Phủ" sẽ mãi là ngọn lửa dẫn đường, sức mạnh giúp dân tộc ta vững bước đi lên, vượt qua mọi thử thách, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:
Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã. Một số lượng lớn pháo 105 ly và pháo cối 120 ly của địch bị ta phá hủy hoàn toàn, hầu hết các máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.
Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 26/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng ½ tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.
Đợt 3: Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 6/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang quân dụng của địch.