Lai Châu thu 1.500 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng

Bích Thuần (t/h)|24/10/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau 10 năm ra đời và phát triển, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu đã thu về 1.500 tỷ đồng.

>>>Quảng Ngãi: Trao tặng 540 cặp phao cho học sinh 4 huyện vùng lũ

>>>Cảnh giác dịch tả lợn Châu Phi áp sát biên giới Việt Nam

Ảnh: N.H

Quỹ BVPTR tỉnh Lai Châu thành lập năm 2009 theo hình thức hoạt động kiêm nhiệm. Đến cuối năm 2011, Quỹ là đơn vị độc lập trực thuộc Sở NN-PTNT và chính thức đi vào hoạt động độc lập từ 2012. Trong thời gian qua, Quỹ tập trung triển khai thực hiện hai nhiệm vụ gồm: triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ và thực hiện công tác thu, chi tiền trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật BVPTR.

Sau 10 năm tổ chức hoạt động, Quỹ BVPTR Lai Châu đóng góp tích cực tới công tác BVPTR trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BVPTR, tạo niềm tin của với chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về rừng.

Theo số liệu cập nhật, tổng số hợp đồng Quỹ BVPTR Lai Châu đã ký đến nay là 11/11 nhà máy thủy điện trong tỉnh gồm: Chu Va 12, Nậm Lụng, Nậm Cát, Nậm Mở 3, Bản Chát, Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Sì Lường, Hua Chăng, Nậm Ban 2, Nậm Thi 2 và Công ty CP Nước sạch Lai Châu đảm bảo đúng quy định.

Đặc biệt, công tác chi trả tiền DVMTR được đơn vị luôn thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định, nhất là đảm bảo công tác thanh toán cho các BQL rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm để các đơn vị thanh toán cho người nhận khoán trước Tết Nguyên đán.

Cụ thể, tổng chi từ năm 2012 – 15/9/2018 là: 1.181 tỷ đồng. Quỹ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hướng dẫn, đôn đốc, thu tiền trồng rừng thay thế đảm bảo theo đúng quy định với kết quả thu 123,71 tỷ đồng, bằng 100% tổng số tiền phải nộp để trồng rừng thay thế.

Kết quả, số vụ phá rừng, cháy rừng, diện tích cháy và số vụ vi phạm luật BVPTR giảm đáng kể, không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Tình trạng di cư tự do giảm, diện tích rừng đã được nâng lên (độ che phủ rừng của tỉnh từ 41,6% năm 2011 lên 48,16% năm 2017) góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, đa dạng sinh học nâng lên, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Ngô Trọng Lịch, Giám đốc Quỹ BVPTR Lai Châu chia sẻ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ cũng như thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác BVPTR, trong đó yêu cầu phải đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, sát với với tình hình thực tế thực hiện trên địa bàn.

Ngoài ra, Quỹ tiếp tục quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đặc biệt việc quản lý sử dụng tiền DVMTR tại chủ rừng, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng và người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng gắn với giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh. Quỹ cũng đề nghị Trung ương sớm có văn bản quy định thống nhất, chi tiết đồng bộ hệ thống Quỹ BVPTR cấp tỉnh làm cơ sở cho tỉnh Lai Châu thực hiện.

Bích Thuần (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lai Châu thu 1.500 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.