Lâm Đồng ban hành Công điện hoả tốc về ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Mai Anh|26/09/2022 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, khẩn trương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4.

Tối ngày 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký Công điện hoả tốc yêu cầu các đơn vị sở, ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4.

lu-quet.jpg
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với cơn bão số 4 (có tên quốc tế là bão Noru), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành khẩn trương tập trung thực hiện các nội dung sau.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, bố trí cán bộ tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ trong thời điểm bão số 4 gây ra; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm có thể xảy ra, như lũ quét, sạt lở đất, mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng...

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn; chủ động kiểm tra các công trình hồ đập trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng phương tiện, trang thiết bị, nguồn lực để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.

UBND tỉnh đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên địa bàn, phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh thông tin kịp thời về tình hình mưa, lũ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân biết, chủ động ứng phó và triển khai phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác thông tin, dự báo, kịp thời cảnh báo nhanh chóng đến tận thôn, buôn, người dân để chính quyền cấp cơ sở và Nhân dân chủ động phòng, tránh và ứng phó với các hiện tượng mưa bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất... có thể xảy ra; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; khơi thông kênh mương, cống rãnh, dòng chảy tránh tình trạng ngập lụt; chỉ đạo kiểm tra, rà soát những cây xanh có nguy cơ ngã đổ dọc các tuyến đường giao thông ở đô thị, khu dân cư, công viên, trường học, bệnh viện... để kịp thời chặt hạ, tỉa cành, mé nhánh đảm bảo an toàn trước và trong khi bão đổ bộ; đồng thời, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh, mương, hồ chứa, thủy lợi, thủy điện, công trình xây dựng đang thi công dở dang trên địa bàn để chủ động ứng phó, nhất là các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn. Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương chỉ đạo các công ty thủy điện vận hành các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành; có phương án xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân biết, chủ động ứng phó, nhất là trong các tình huống xả lũ khấn cấp, tuyệt đối không nên xả lũ vào ban đêm.

Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường xung yếu (các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh), các cầu yếu, các đoạn đường đèo thường bị sạt lở gây ách tắc giao thông; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố xảy ra, đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương tham gia cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra...

Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh (cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm chắc mọi tình hình, diễn biến của bão số 4; khi có sự cố bất thường về mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra, phải báo cáo ngay với lãnh đạo UBND tỉnh để chỉ đạo, huy động các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời; báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai theo yêu cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng ban hành Công điện hoả tốc về ứng phó khẩn cấp với bão số 4