Tiếp tục thực hiện điện ngày 16/10 của Thường trực Ban Bí thư, Công điện số 1411/CĐ-TTg ngày 18/10 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 27/CĐ-TWPCTT ngày 17/10 của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 28/CĐ-TWPCTT, số 29/CĐ-TWPCTT ngày 19/10/2020 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tập trung vào việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Vị trí , đường đi của bão số 8 trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập. Tổ chức vận hành, bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn. Phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 05 giờ ngày 21.10, số tàu cá của tỉnh còn đang hoạt động trên biển là 67 tàu với 2.439 lao động. Trong đó ở khu vực Trường Sa là 64 tàu/2.409 lao động và hiện các tàu đã tránh trú an toàn tại các đảo ở Trường Sa; khu vực Hoàng Sa: là 03 tàu/30 lao động (các tàu đã được thông báo và trên đường vào khu vực tránh trú). Số tàu không hoạt động trên toàn tỉnh hiện nay là 2.981 tàu/11.146 lao động. Ngoài ra còn có 14 tàu vận tải với 147 thuyền viên đang neo đậu tại Cù Lao Chàm.
Tại TP.Hội An ( tỉnh Quảng Nam), đến sáng ngày 21.10, hơn 100 chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng biên phòng cùng người dân vẫn đang tiếp tục khẩn trương gia cố, kè chắn chống sạt lở đang nguy cấp ở biển Cửa Đại. Đặc biệt tập trung những điểm xung yếu, khu vực công cộng sạt lở nặng như bãi tắm Cửa Đại, Công viên Bốn mùa, thành phố đã tập trung nhân lực, phương tiện để chạy đua với bão số 8, khẩn trương gia cố bảo vệ bờ, tạm thời hạn chế sức công phá của sóng, giảm thiểu phần nào tình trạng sạt lở, xâm thực sâu hơn nếu bão đổ vào gây mưa to, gió lớn. Đối với khu vực các nhà hàng ven biển Cửa Đại, thành phố hỗ trợ bao, cát, nhân công, các doanh nghiệp đã huy động lực lượng thực hiện việc gia cố, bảo vệ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ, tỉnh Quảng Nam đã triển khai Công văn số 6130 về tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Đồng thời ban hành văn bản số 6123 về việc vận hành luân phiên 12 giờ để hạ dần mực nước các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 về mực nước cao nhất trước lũ.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành các công văn về việc vận hành điều tiết hồ thủy điện Sông Tranh 2; về việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du sông Vu Gia; Sở Công thương đã có Văn bản gửi Chủ đầu tư các công trình thủy điện về việc đảm bảo an toàn thi công xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản về đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ năm 2020.
Minh Châu