– Ngày 25/12, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, UBND Lâm Đồng vừa tiến hành tổ chức lễ công bố Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025.
>>>Nhóm công nhân thả đồi mồi quý hiếm về biển tại Hà Tĩnh
>>> Ý: Núi lửa Etna phun trào, sân bay Catania tạm đóng cửa
Công bố kế hoạch xây dựng Đà Lạt thành một đô thị thông minh. Ảnh minh họa
Ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết mục tiêu của Đề án là xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dự tính, đến năm 2025, thành phố Đà Lạt cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam.
Ông Đa cũng cho hay, mô hình xây dựng thành phố Đà Lạt thông minh dựa trên 4 trụ cột chính là quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế, trong đó sẽ có 8 lĩnh vực được triển khai. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, việc nâng cấp chính quyền điện tử, hoàn thiện ứng dụng nội bộ trong các cơ quan nhà nước, giao tiếp với người dân, doanh nghiệp; quy hoạch đô thị và quản lý đất với cổng thông tin công bố thông tin quy hoạch đang khẩn trương được hoàn thiện
Đối lĩnh vực nông nghiệp, các giải pháp ứng dụng sẽ được phát triển đồng bộ cơ sở vật chất tại các doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ xây dựng cổng thông tin ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động, xây dựng thành phố Wifi…
Đối với lĩnh vực thành phố an toàn, tỉnh sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống camera giao thông, hệ thống tích hợp quản lý camera an ninh tập trung, Trung tâm điều hành giám sát tập trung…
Đối với lĩnh vực môi trường, tỉnh mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước, môi trường đất thành phố, hệ thống nhà máy xử lý rác thải và cung cấp thông tin cho người dân, xây dựng bản đồ và phần mềm dự báo lan truyền ô nhiễm…
Đối với lĩnh vực giáo dục-đào tạo, xây dựng hệ thống bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning, lớp học tương tác thông minh,..
Đối với lĩnh vực y tế: tỉnh sẽ nhanh chóng oàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh, xây dựng y bạ điện tử, quản lý sức khỏe cho người dân, chăm sóc sức khỏe từ xa trên nền tảng vạn vật kết nối…
Đối với lĩnh vực giao thông, khẩn trương xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người dân và du khách, giải pháp bãi đỗ xe thông minh, vé xe điện tử, hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng áp dụng cho xe buýt…
Như vậy, trên cơ sở phân tích thực trạng, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện của thành phố Đà Lạt, mỗi dự án nằm trong Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” sẽ được triển khai trong một giai đoạn cụ thể, phù hợp với định hướng chung về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Hoàng Lan (t/h)