Lâm Đồng: Giải pháp hữu hiệu để giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm
Với tiềm năng lớn về tài nguyên rừng, tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu bảo vệ và phục hồi rừng. Tuy nhiên, công tác giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Những thành quả bước đầu
Hiện tại, thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khôi phục và phát triển rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", giai đoạn 2020 - 2021, theo kế hoạch thì tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu giải tỏa, tổ chức trồng lại rừng trên diện tích 334 ha rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt, sau khi giải toả, sẽ bố trí lực lượng tại chỗ kiểm tra, tránh bị tái lấn chiếm. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, đặt kế hoạch phải khôi phục lại độ che phủ rừng với diện tích hơn 52.000 ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 phải thực hiện giải toả cho được khoảng 20.000 ha, diện tích còn lại thực hiện trong các năm tiếp theo.
Thời gian gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã rất kiên quyết và xử lý mạnh tay, tương đối quyết liệt đối với các vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng nhà lưới, nhà kính và làm những việc không được cho phép. Ngoài việc mạnh tay xử lý người vi phạm, tỉnh còn đề ra nhiều biện pháp cứng rắn như xử lý kỷ luật, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ rừng với việc đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại, khối lượng lâm sản thiệt hại mỗi năm giảm trên 20% so với năm trước. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai công tác này gặp rất nhiều khó khăn, do người dân thường không hợp tác, gây khó khăn trong việc xử lý hành chính, thậm chí có hành vi chống đối, trả thù lực lượng làm công tác giải toả.
Hiện thực còn nhiều thách thức
Trong tháng 9 này, quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm của Ban Quản lý rừng Lâm Viên (Đà Lạt) đã giẫm phải bẫy "kim tiêm" được gắn trên một tấm gỗ dấu kín dưới đất ngay cạnh hàng rào trong quá trình giải tỏa 80 m2 đất rừng tại lô a, khoảnh 8, Tiểu khu 149B (Phường7, Đà Lạt). Diện tích rừng này đã được giao cho hộ ông Cil Hoàng Phi Hùng nhận khoán bảo vệ, đối tượng chống đối đã đặt một tấm gỗ có gắn khoảng 30 đầu ống kim tiêm chôn ngầm trong đất để bẫy lực lượng giải toả tại gần khu vực hàng rào. Sự việc đã gây lo lắng không ít cho những hộ nhận khoán bảo vệ rừng và lực lượng làm công tác giải toả đất rừng trên địa bàn TP Đà Lạt.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Việt - Trưởng ban Ban Quản lý rừng Lâm Viên cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý rừng Lâm Viên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 14.110 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 56,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của TP Đà Lạt. Quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương gặp khá nhiều khó khăn nhất định do địa bàn rộng, tương đối phức tạp khi khu vực rừng giáp ranh với đất sản xuất, khu đất ở trên địa bàn khá nhiều. Đặc biệt, là đối với công tác giải toả diện tích rừng bị lấn chiếm, Ban cũng gặp rất nhiều khó khăn do giá trị đất trên địa bàn cao nên người dân lấn chiếm thường có những thủ đoạn khá tinh vi, không hợp tác. Việc lấn chiếm thường lấn từng diện tích rất nhỏ, sau đó đưa cây trồng đã lớn vào trồng để đánh lạc hướng và thường gây khó khăn trong việc xử lý hành chính, thậm chí có những người có hành vi chống đối lực lượng giải toả.
Thêm vào đó, quy trình giải toả thường kéo dài cũng gây nhiều khó khăn. Theo quy trình thì khi phát hiện đất rừng bị lấn chiếm, phải tổ chức lập hồ sơ, tìm đối tượng, sau đó xử phạt rồi mới cưỡng chế … Như vậy, dẫn đến kéo dài thời gian, giải toả nóng nên nảy sinh những tiêu cực. Trong khi đó, việc lấn chiếm diễn ra nhỏ lẻ, từ từ ở địa bàn rộng lớn thường rất khó phát hiện.
Trên địa bàn huyện Đam Rông, trong năm 2024 cũng đã xảy ra tình trạng một số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số do bị giải toả diện tích rừng lấn chiếm trái phép đã kéo đến hành hung cán bộ quản lý, bảo vệ rừng ngay tại trụ sở gây thương tích và đe doạ tinh thần cán bộ như sẽ ém bùa...
Lâm Đồng là tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, lực lượng bảo vệ rừng dù làm việc trong môi trường khá nguy hiểm nhưng lại khá mỏng, nhiều nơi thiếu biên chế không thể tuyển dụng được đủ do các chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng hiện còn rất nhiều hạn chế, trong khi công việc đặc thù khá “nặng gánh” và nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc xác định ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất ở một số nơi hiện vẫn còn những vấn đề gây tranh chấp giữa người dân và cơ quan chức năng… cũng khiến công tác giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm ở Lâm Đồng gặp khó khăn.
Công tác quản lý bảo vệ rừng vốn đã là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; công tác giải toả diện tích đất rừng bị lấn chiếm lại càng khó khăn hơn. Vì vậy mà các đơn vị chức năng thời gian qua đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền rộng rãi tầm quan trọng của rừng; nỗ lực hoàn thành việc phân định ranh giới rừng; thành lập các đội kiểm lâm cơ động để tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm dứt điểm các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất rừng…
Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, từ thực tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt, cần chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường đầu tư cả nhân lực và vật lực và cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giải quyết các khó khăn và những vấn đề thực tế nhiều địa phương, đơn vị đang phải đối mặt thời gian qua.