Lâm Đồng: Vùng nội ô Đà Lạt dự kiến không còn nhà kính từ năm 2030

Hoàng Anh|21/11/2022 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt.

Mới đây, Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết đã gửi văn bản kèm dự thảo đề án “Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đến các Sở, ngành, UBND các địa phương, doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp (SXNN)... có sử dụng nhà kính trên địa bàn để lấy ý kiến về đề án này.

Theo dự thảo đề án, việc phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, nhất là khu vực nội đô TP.Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị.

nha-kinh-cuht-2885.jpg
Ảnh minh họa

Các khu vực SXNN trong nhà kính chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa; làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ. Đặc biệt tại những nơi vùng trũng, vùng lòng chảo đã xảy ra trong thời gian qua tại TP.Đà Lạt và vùng phụ cận. Nhà kính còn ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng phát triển du lịch.

Do đó, cần phải có quy định tỷ lệ phù hợp với điều kiện sinh thái, cảnh quan từng vùng, từng khu vực, kết hợp các giải pháp tạo các vành đai xanh, các bờ lô thửa và các diện tích đất trống để đảm bảo hài hòa cảnh quan, môi trường. Cần phải quy định mật độ nhà kính phù hợp đối với nội ô TP.Đà Lạt và các vùng phụ cận để phát triển hài hòa lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Cần phải có quy định pháp lý để quản lý đối với xây dựng nhà kính phục vụ SXNN.

Mục tiêu chung của đề án là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt (sau năm 2030) và các huyện lân cận. Đồng thời chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo thống kê, năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 4.476,2 ha diện tích nhà kính. Trong đó, thành phố Đà Lạt có diện tích nhà kính chiếm tỷ lệ cao nhất với 2.554 ha (57,1%), Lạc Dương 944,7 ha (21,1%), Đơn Dương 470 ha (10,5%), Đức Trọng 268 ha (6,0%), Lâm Hà 179,4 ha (4,0%), diện tích còn lại rải rác tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đam Rông và các huyện khác.

Trong đó, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của TP Đà Lạt khoảng 10.500 ha, trong đó diện tích nhà kính 2.554 ha, chiếm 24,32% tổng diện tích canh tác và 50,05% diện tích canh tác rau, hoa của địa phương.

Bài liên quan
  • Bình Thuận: Trồng cây xanh để giảm phát thải khí nhà kính
    Xác định việc bảo vệ và trồng mới rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Vùng nội ô Đà Lạt dự kiến không còn nhà kính từ năm 2030