Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đầu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước (Bộ Xây dựng 2019). Trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%). Nước thải công nghiệp sẽ chiếm 25 – 28% và nước thải nông thôn là 12 – 15%.
Nhiều nguồn nước thải công nghiệp không qua xử lý xả vào môi trường. Tính đến cuối năm 2018, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp.
Trong tổng số 587 cụm công nghiệp theo quy hoạch đã đi vào hoạt động, chỉ có 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chung (chiếm 9,4%). Phần lớn, nước thải từ các hộ sản xuất trong hơn 5.000 làng nghề chưa qua xử lý cùng nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống thoát nước mặt. Đó là chưa tính đến các cơ sở công nghiệp lớn nằm ngoài các KCN, khu khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, do các hoạt động kinh tế, không có lưu vực sông nào có nguồn nước mặt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của WHO dành cho nước uống. Các đoạn sông chảy qua các thành phố lớn, như sông Tô Lịch, sông Sét và sông Kim Ngưu chảy qua Hà Nội; chất lượng nước sông Sài Gòn, Đồng Nai, Hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Đá Đen (Bà Rịa – Vũng Tàu)… bị ô nhiễm nặng – đang gây lãng phí nguồn tài nguyên, rủi ro cho sức khỏe con người và các hệ sinh thái tự nhiên.
Chất lượng nước bị đe dọa bởi hoạt động khai thác thủy điện, VLXD, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản. Việc xả thải từ các nhà máy, KCN, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng đang tác động lớn đến chất lượng nước của hệ thống sông rạch. Nhiều hồ chứa cũng bị đe dọa do hoạt động xả thải, nuôi trồng thủy sản ngay trên lòng hồ… Những nguy cơ ô nhiễm đó đặt ra thách thức đối với các đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.
Mức độ ô nhiễm cao cũng hạn chế sự phát triển đô thị, sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp.
Ô nhiễm nước gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Theo đánh giá của WB, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 – 18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.
Nguồn cung cấp nước sạch được dự báo sẽ giống như tình trạng khan hiếm dầu hiện nay. Các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu cần chi phí 124 tỷ EUR hàng năm. Nhưng khoản chi phí này sẽ chỉ còn từ 31 – 37 tỷ EUR nếu người dân các nước được giáo dục cách tiết kiệm nước. Giải pháp cấp bách là cần quản trị nguồn nước hiệu quả.
Bởi vậy, cho đến nay, tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm vẫn ngày một trầm trọng, trong khi các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.
Thanh Hương