Lặn vớt hàng tấn rác thải đại dương dưới đáy biển Côn Đảo

Xuân Lộc|14/08/2024 14:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía Đông Nam của Việt Nam, với những hệ sinh thái biển thiên nhiên phong phú và đa dạng, tổng diện tích các bãi biển tại Côn Đảo khoảng 20km2, tại đây có khoảng 1.200 ha rạn san hô, với hơn 350 loài san hô, nhiều nhất ở Việt Nam.

Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển quý giá này ở Côn Đảo là vô cùng quan trọng. Theo các nghiên cứu cho thấy, việc rác thải tích tụ tại các rạn san hô, rừng ngập mặn gây ra rất nhiều tác động tiêu cực như:

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô: Rác thải có thể chôn lấp và che phủ san hô, cản trở quá trình quang hợp và hô hấp của san hô, dẫn đến sự suy giảm và chết dần của rạn san hô.

rac-thai-con-dao-1-.jpg
Thợ lặn Thu gom rác thải dưới đáy đại dương. (Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo)

Ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và sinh kế của cộng đồng: Rạn san hô là nơi sinh sống và kiếm ăn của nhiều loài thủy sản, vì vậy sự suy thoái của rạn san hô sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, từ đó ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương.

Nguy cơ gây ô nhiễm và tích lũy các chất độc hại: Một số loại rác như nhựa, kim loại nặng có thể gây ô nhiễm và tích lũy các chất độc hại trong môi trường biển.

Để giải quyết vấn đề này, Vườn Quốc gia Côn Đảo, Viện Hải dương học Nha Trang và Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ chức WWF Việt Nam và một số tổ chức, doanh nghiệp du lịch tại Côn Đảo đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cộng đồng địa phương để thực hiện các hoạt động bảo tồn và phục hồi các rạn san hô quý giá tại Côn Đảo.

rac-thai-con-dao-2-.jpg
Thu gom rác thải mắc kẹt trong rạn san hô ở độ sâu 5 7 mét (Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo)

Mới đây nhất, Đại diện Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tổng diện tích các rạn san hô có rác tích tụ khoảng 600 ha; diện tích bãi biển, rừng ngập mặn hứng chịu rác thải đại dương hơn 17 ha. Hơn 2 tuần qua, việc thu gom rác thải tích tụ tại hơn 600ha các rạn san hô, rừng ngập mặn ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bà…(Côn Đảo) được các thợ lặn triển khai, thu về khoảng 2,1 tấn rác mắc kẹt tại các rạn san hô chủ yếu là lưới đánh cá, dây thừng, bao bì, lon bia… được đưa lên bờ, phân loại, đóng bao vận chuyển về đất liền chuyển giao cho một số đơn vị có nhu cầu tận dụng, tái chế; số còn lại được tập kết về khu xử lý rác thải tập trung để đốt.

rac-thai-con-dao-3-.jpg
Rác thải được đưa lên ghe, tàu, rồi chở về tập kết đảo lớn Côn Sơn. Sau đó sẽ đưa về bờ xử lý.

Theo kế hoạch, đợt 2 sẽ được tiếp tục từ tháng 9 đến hết năm 2024. Sang năm 2025 bám sát theo điều kiện thời tiết Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt thu gom, làm sạch rác sâu dưới đại dương với mục tiêu thu gom và xử lý khoảng 20% rác nhựa biển tích tụ dưới các rạn san hô và hơn 50% rác thải nhựa đại dương trôi tấp vào các bãi biển thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Được biết việc thu gom rác thải đại dương nói trên nằm trong đề án "kinh tế tuần hoàn" để Côn Đảo phát triển bền vững, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng: Chung tay giảm rác thải đại dương để “4 mùa biển xanh”
    Ô nhiễm rác thải đại dương là một thực trạng đáng báo động trên toàn thế giới trong đó có cả Việt Nam, quốc gia với bờ biển trải dài trên 3.260km từ Bắc xuống Nam. Thực trạng này, ở thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng, cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đáng lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lặn vớt hàng tấn rác thải đại dương dưới đáy biển Côn Đảo
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.